Lịch Sử Ra Đời

Tiến sỹ khoa học Nguyễn Thúc Loan
NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO NGÀNH ĐIỀU KHIỂN HỌC


Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Thúc Loan sinh ngày 3/10/1940 tại thôn Phước Bình, xã Hòa Thành, huyện Tuy Hòa, tỉnh PHú Yên trong một gia đình công nhân.

Năm 1954 tập kết ra Bắc, Anh được tập huấn tại Đông Dương học xá (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội)

Năm 1956 Anh được cử đi học đại học  tại trường Năng lượng Moskva (Liên Xô). Tài năng nghiên cứu khoa học của Anh đã sớm  nở rộ và được thể hiện ngay  từ những năm cuối của bậc đại học. Nhiều công trình  nghiên cứu của Anh đã được đăng ở các tạp chí chuyên ngành  nổi tiếng của Liên Xô trước đây.

Năm 1963 Anh tốt nghiệp đại học  với kết quả xuất sắc. Hội đồng chấm luận án đã đề nghị cho kỹ sư Nguyễn Thúc Loan được chuyển tiếp sinh, tiếp tục hoàn thiện  và nâng cao đề tài kỹ sư để bảo vệ học vị Phó Tiến sỹ Khoa học Kỹ thuật.

Do yêu cầu công việc lúc đó, kiến nghị   đầy thiện chí của Hội đồng chấm luận án đã không được chấp nhận, Anh về nước nhận công tác tại khoa Điện, trường Đai học Bách khoa Hà Nội. Ra tiễn Anh, hết thảy bạn bè  người Việt cũng như  bạn bè quốc tế đều ngạc nhiên  bởi hành trang của Anh là hơn 200 cuốn sách và càng ngạc nhiên hơn nữa khi những người bạn của  Anh tại trường Năng lượng Moskva cho biết Anh còn gửi lại Trường khoảng 300 cuốn sách nữa.

Tháng 9 năm 1966 Anh được quay lại trường Năng lượng  Moskva để làm Nghiên cứu sinh. Ra đón Anh bạn bè lại một lần ngạc nhiên nữa – hành trang cùng Anh quay trở lại Liên Xô lại vẫn là hơn 200 cuốn sách mà Anh đã mang về trước đó 3 năm.

Sự  “kỳ quặc” của Anh chính là một trong nhiều cơ sở để có thể lý giải vì  sao số công trình  khoa học của Anh được đăng nhiều thế và vì sao luận án Phó Tiến sỹ của Anh đã được hoàn thành chỉ trong một năm rưỡi (bình thường được phép 3 năm).

Luận án Phó Tiến sỹ Khoa học  với đề tài “Phân tích Ổn định Chất lượng và Trùng hợp trong hệ Tuyến tính” đã được Anh bảo vệ thành công vào tháng 1/1969.

Sinh viên, nghiên cứu sinh tại trường Năng lượng Moskva  ai cũng biết luận án Phó Tiến Sỹ  Anh đã viết xong nhưng Anh vẫn miệt mài đi thư viện, đọc sách và chỉ bảo vệ đúng thời hạn. Thì ra Anh  để dành thời gian ít ỏi được phép đó để tự trang bị cho mình kiến thức về một ngành mới – Điều khiển học. Và điều đó đã được  mình chứng bằng việc Anh đã bảo vệ thành công  luận án Tiến sỹ Khoa học chuyên ngành “Điều khiển học Kỹ thuật và Lý thuyết Thông tin” với đề tài “Nguyên lý Xây dựng các Hệ Tự Điều chỉnh” vào tháng 6 năm 1973.

Tháng 12 năm 1972, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, tiến tới Hiệp định Paris được ký kết, tất thảy lưu học sinh đều tự biết và tự nhủ thời cơ xây dựng lại đất nước  đã đến. Ai cũng chuẩn bị cho mình một kế hoạch. Anh Loan  cũng vậy nhưng theo cách  riêng của Anh – xây dựng ngành Điều khiển học cho Việt Nam. Từ tháng  1 năm 1973 Anh Loan cùng một số anh em sinh viên chuyên ngành Điều khiển học ở trường năng lượng Moskva đã âm thầm chuẩn bị cho việc này.

Giữa năm 1973 Anh lên đường về nước, cũng giống như lần trước hành trang của Anh vẫn là sách nhưng lần này có thêm bản đề cương xây dựng ngành Điều khiển học trong đó có bản danh sách sinh viên, nghiên cứu sinh ưu tú nhất sắp tốt  nghiệp ở Liên Xô (vì Anh  chỉ có điều kiện tìm hiểu ở Liên Xô) của tất cả các ngành: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Kỹ thuật, Kinh tế… mà Anh dự định xin họ về làm việc một khi ngành Điều khiển học  được hình thành. Lý giải về điều này Anh cho biết, Điều khiển  học tự thân nó là một ngành khoa học nhưng tính ứng dụng của nó rất cao và đặc biệt khả năng ứng dụng của  nó rất rộng, nó là công cụ rất sắc bén của mọi ngành, chính vì vậy Anh muốn tập hợp chuyên gia của tất cả mọi ngành lại.

Với tâm huyết đó, Anh xin phép không quay lại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tháng 9/1973 Anh về nhận công tác tại Ủy ban Khoa học và  Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) và bắt đầu quá trình vận động thành lập ngành  Điều khiển học.

Ngày 16 tháng 1 năm 1974 Ban Điều khiển học thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được thành lập  và Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Thúc Loan được cử làm Trưởng ban. Vào thời điểm đó Ban chỉ có 7 cán bộ chứ không phải là 150 như bản danh sách mà Anh đã chuẩn bị. Hai lĩnh vực đầu tiên mà Anh rất chú trọng: Kinh tế  và Kỹ thuật. Sau một tháng  Ban Điều khiển học  hình thành 2 tổ: Tổ Kinh tế và Tổ Kỹ thuật. Tổ Kinh tế bắt tay vào xây dựng  và tính toán mô hình tăng trưởng kinh tế, tổ Kỹ thuật đi gom góp, tìm mua linh kiện điện tử để lắp máy PERT giải bài toán Sơ đồ mạng. Qua thực tế thấy rõ được tầm quan trọng của thông tin đặc biệt là thông tin kinh tế, tổ Kinh tế  tách thành 2 tổ: tổ Mô hình và Tổ Thông tin. Tổ Thông tin bắt tay  vào thực hiện đề án “Cải thiện  Hệ thống Thông tin  Kinh tế Toàn quốc”, tổ Mô hình được chia thành 2 nhóm: nhóm Mô hình Tăng trưởng  và Mô hình Dự báo.

Và thật bất ngờ chưa đầy 8 tháng sau những thông số  cơ bản của mô hình  tăng trưởng đã được tính toán xong không phải bằng máy tính mà bằng thước Logarit. Kết quả đã  được trình bày  tại Ủy ban Kể hoạch Nhà nước, Ban Công nghiệp  Trung ương  và không một chuyên gia kinh tế nào phản bác. Máy PERT cũng đã lắp  xong bắt đầu chạy thử nghiệm  và hiệu chỉnh. Nhưng ít ai  biết rằng  những kết quả đó đạt được  trong hoàn cảnh toàn Ban chỉ có một bàn đá  và khoảng bảy cái ghế được đặt trong phòng 30m2 ở tầng áp mái của tòa nhà 39 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Cứ sáng thứ hai hàng tuần giao ban đứng (vì không đủ ghế - lúc này Ban đã hơn 30 cán bộ) xung quanh bàn đá, sau đó tổ Mô hình, tổ Thông tin đi thư viện  hoặc về nhà một thành viên nào đó để làm việc  nhường toàn bộ  ghế cho tổ Kỹ thuật ngồi lắp ráp. Khó khăn vậy nhưng không một lời kêu ca đòi hỏi bởi ai cũng tin ở  Thủ trưởng của mình – Anh Loan.

30/4/1975 Chiến dịch  Hồ Chí Minh toàn thắng, cả nước bước vào  công cuộc xây dựng  mới – “làm ăn lớn  xã hội chủ nghĩa”. Trong lĩnh vực  nông nghiệp, Đảng và Nhà nước  tiến hành xây dựng  5 huyện trọng điểm. Ban Điều khiển học tiến hành “Nghiên cứu Xây dựng Hệ thống tự động hóa trong Nông nghiệp – ASU nông nghiệp” tại 3 huyện Thanh Oai, Ba Vì, Mỹ Đức (Hà Tây) và triển khai ASU công nghiệp tại cảng Hải Phòng…

Những năm 70 của thế kỷ trước, những thuật ngữ  Điều khiển học, ASU, tự thích nghi, tự động hóa, hộp đen… được nhắc đến nhiều nhất không chỉ  trong các buổi sermina khoa học mà cả ở nhiều hội nghị cấp bộ, cấp tỉnh và cả cấp huyện. Xu hướng này gắn liền với  hoạt động của Ban Điều khiển học  dưới sự dẫn dắt của Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Thúc Loan.

Ngày 27 tháng 12 năm 1976 Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển được  thành lập trên cơ sở sáp nhập Phòng Máy tính và Ban Điều khiển học thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và cũng từ đây Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Thúc Loan không giữ bất cứ một cương vị lãnh đạo  nào. Anh lui về làm công tác nghiên cứu và đào tạo.

Chỉ với khoảng thời gian ít ỏi gần 3 năm một  khối lượng công việc quá lớn đã được Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Thúc Loan và 84 cán bộ thuộc Ban Điều khiển học  thực hiện, nhiều việc khi kết thúc còn dang dở nhưng trong gần 3 năm  đó không tháng nào mà ở Ban không có kết quả mới, tiến hành công việc mới, dự liệu  một công việc mới. Phải chăng những nóng vội đó đã làm lu mờ phần nào tính vững chắc  ở những công việc mà anh Loan và Ban Điều khiển học đã làm.

Nếu ai đã từng có suy nghĩ này xin hãy xem lại những đề tài cấp nhà nước của  Chương trình Quốc gia “Toán – Điều khiển” của những năm 80 của Thế kỷ trước được xây dựng trên cơ sở nào? Phải chăng phần lớn là những việc mà Ban Điều khiển học  đã làm.

Chức vụ mà Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Thúc Loan có được chỉ là Trưởng Ban (cấp phòng) và cũng chỉ trong một khoảng thời gian quá ngắn  (chưa đầy 3 năm) nhưng những việc làm của anh thật đáng trân trọng ghi nhận.

Có thể có ai đó  còn muốn tranh luận đúng sai, nhưng với chúng tôi những người đã và dang hoạt động trong lĩnh vực Điều khiển  học đều khẳng định Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Thúc Loan là người đặt nền móng cho ngành Điều khiển học nước nhà.

Ngày 8 tháng 1 năm 2006 (tức 8 tháng 12 năm Bính Tuất), sau một cơn đau tim đột ngột anh đã vĩnh viễn ra đi để lại hơn 100 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng trên thế giới, để lại nỗi tiếc thương cho gia đình, bạn bè và cho hơn 30 nghiên cứu sinh thuộc các chuyên ngành Toán, Điều khiển học, Tự động hóa đã được Anh hướng dẫn bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ.

Bằng cấp Anh đã đạt được  đến học vị cao nhất - Tiến sỹ Khoa học, chức vụ, ít nhất Anh cũng đã từng đứng đầu  một tổ chức, nhưng không hiểu sao đối với chúng tôi khi nói đến Anh chỉ gọi là Anh Loan.

Nghe tin Anh mất, báo tin cho nhau chúng tôi cũng chỉ nói được “Anh Loan mất rồi”.

Anh Loan ơi! Trong điếu văn người ta gọi Anh là Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học, nhưng xin phép Anh cho phép chúng tôi – những đồng sự của Anh tại Ban Điều khiển học thủa nào trong giờ  phút đau thương  này vẫn được gọi Anh với hai từ thân thương nhất – Anh Loan.

                                                                     Xin Anh hãy thanh thản yên nghỉ.
                                                                              Ban Điều khiển học

                                         
Từ phải qua trái: Anh.Hoài Bão, Cố GSTS Nguyễn Thúc Loan, Anh.Đặng Quang Á, Anh.Lê Xuân Quảng tại Lễ kỉ niệm 30 năm ngày thành lập BĐKH năm 2004



Ảnh mộ phần và nhà của Cố GSTS.Nguyễn Thúc Loan tại quê nhà Phú Yên, người đứng cạnh mộ là TSKH.Nguyễn Xuân Huy

5 nhận xét:

  1. Cảm ơn tác giả của bài viết đã cung cấp những kỹ niệm đẹp về một người Thầy, người Cậu của em. Em có lẽ là học trò PhD cuối cùng của Thầy. Khi Thầy mất, em đã cùng gia đình đưa Thầy về Tuy Hòa chôn cất và xây mộ. Thật xúc động khi đọc và nhớ lại một ngươi thân đã ra đi,
    Trân trọng,
    Nguyễn Kỳ Tài

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn tác giả bài viết, những kỷ niệm về những bước chập chững đấu tiên của Điều khiển học, về anh Loan - người thầy người anh đầy nhiệt huyết của chúng ta và các đồng nghiệp ...
    Em tin rằng dù là ai, đi đến đâu , mỗi nhân viên của Ban ĐKH ngày đó đã và sẽ còn nhớ mãi những năm thàn đó.

    Trả lờiXóa
  4. Sao bài viết ghi GS Loan sinh năm 1940 mà bia mộ lại ghi 1937. Vậy năm nào mới đúng?

    Trả lờiXóa