Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Lời cám ơn tại thời khắc chuyển giao năm cũ Quý Tỵ sang năm mới Giáp Ngọ 2014

Blog Ban điều khiển học (BĐKH) tuy mới chỉ ra mắt được hai tuần nhưng đã nhận được sự đóng góp nhiệt tình của một số các anh chị Cựu thành viên của Ban. Các chuyên đề đã manh nha thành hình như dòng thơ lãng mạn triết lý ĐKH, hài và văn biếm họa chân dung ĐKH, ghi chép và nghiên cứu lịch sử BĐKH, nghiên cứu lý thuyết ĐKH và ứng dụng viết theo văn nôm dễ hiểu để truyền đạt tinh thần và lòng yêu mến ĐKH cho các đời sau.

Vì vậy nhóm liên lạc kiêm biên tập (trong mùa xuân năm Giáp ngọ 2014 nhất định phải bổ sung thêm các chuyên gia gạo cội để có được Ban biên tập Blog chính thức) rất phấn khởi được ghi nhận thành tích đầy hứa hẹn này và xin chân thành nhiệt liệt cảm ơn các bạn kể cả người viết lẫn người đọc Blog BĐKH. Chúng ta đã được củng cố niềm tin vào việc Blog BĐKH ngày sẽ được nhận thêm nhiều các bài viết, các bình luận từ tất cả các cá nhân có lòng yêu mến ĐKH, không kể là các cựu thành viên hay bên ngoài của ban, không kể sống trong hay ngoài nước. 

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

BIẾM HỌA CHÂN DUNG CÁC THÀNH VIÊN BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC


1. GS.TS. NGUYỄN THÚC LOAN, ông tổ của thuật toán tự thích nghi VN, vị thủ trưởng đầu tiên và cũng là cuối cùng của Ban ĐKH, người anh cả, thủ lĩnh đã dẫn dắt 84 chiến sĩ “lương hơi bạc” đi suốt những chặng đường đất dài ở Hà Sơn Bình không biết mỏi. GS đã ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng ý niệm, ý tưởng và ý đồ ứng dụng khoa học điều khiển học của người ở lại với chúng ta vĩnh viễn.

2. GS.TS. ĐẶNG QUANG Á, sinh ra vào một đêm đen, nhá nhem không đèn đuốc, để rồi trở thành một ngôi sao khoa học tỏa sang cháy sém cả vùng trời Á đông.

3. NGUYỄN THỊ KIM ANH, thanh cao, nồng nàn, người đã làm cho nhiều trái tim co giật. Giờ đây đã hạ cánh an toàn, nhưng lại đề nghị “Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đưa ngành ĐKH vào chương trình trọng điểm QG (qui dê)”.

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO NGÀNH ĐIỀU KHIỂN HỌC

Tiến sỹ khoa học Nguyễn Thúc Loan
NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO NGÀNH ĐIỀU KHIỂN HỌC


Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Thúc Loan sinh ngày 3/10/1940 tại thôn Phước Bình, xã Hòa Thành, huyện Tuy Hòa, tỉnh PHú Yên trong một gia đình công nhân.

Năm 1954 tập kết ra Bắc, Anh được tập huấn tại Đông Dương học xá (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội)

Năm 1956 Anh được cử đi học đại học  tại trường Năng lượng Moskva (Liên Xô). Tài năng nghiên cứu khoa học của Anh đã sớm  nở rộ và được thể hiện ngay  từ những năm cuối của bậc đại học. Nhiều công trình  nghiên cứu của Anh đã được đăng ở các tạp chí chuyên ngành  nổi tiếng của Liên Xô trước đây.

Năm 1963 Anh tốt nghiệp đại học  với kết quả xuất sắc. Hội đồng chấm luận án đã đề nghị cho kỹ sư Nguyễn Thúc Loan được chuyển tiếp sinh, tiếp tục hoàn thiện  và nâng cao đề tài kỹ sư để bảo vệ học vị Phó Tiến sỹ Khoa học Kỹ thuật.

MỘT SỐ KỶ NIỆM VỀ BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC

MỘT SỐ KỶ NIỆM VỀ  BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC
Nhớ lại ngày thành lập Ban:
Ngày 16/1/1974, tức ngày 24 (Đinh Tỵ) tháng 12 (Ất Sửu) năm 1973 (Quý Sửu), một sáng đẹp trời cuối đông trên tầng 2 ngôi nhà Pháp cổ ven Hồ Tây tại số 2 Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội, nhìn ra mặt Hồ sương sớm vẫn còn giăng một lớp mờ ảo. Tiết trời lạnh ngọt, nhưng có 7 trái tim[1] rất nóng của những kỹ sư, cử nhân tuổi ngoài đôi mươi vừa tốt nghiệp từ Liên Xô về đang quây quần bên người anh (cũng chỉ mới 33 tuổi thôi) Tiến sĩ KHKT Nguyễn Thúc Loan. Mấy anh em vừa uống chén trà hương Ba Đình vừa nhâm nhi mấy viên kẹo lạc để nghe anh Loan thông báo sự kiện thành lập Bộ phận Điều khiển học (ĐKH) thuộc Khối Khoa học Cơ bản của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (sau đó mới có quyết định là Ban Điều khiển học). Với tư cách Trưởng Bộ phận, anh Loan đã phổ biến lại tinh thần về buổi gặp gỡ của anh với các Bác lãnh đạo Chính phủ để trình bày đề cương tổ chức hoạt động của ĐKH Việt Nam. Anh Loan đã phác họa viễn cảnh hoành tráng của ngành ĐKH, một ngành khoa học tổng hợp có liên quan với tất cả các bộ môn khoa học khác nhau, cả lĩnh vực tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ và cả lĩnh vực xã hội. Vì vậy ĐKH được tập hợp tất cả những người xuất săc từ các chuyên ngành khác nhau về. để cùng thực những nhiệm vụ nghiên cứu thật nặng nề nhưng vinh quang của Ban. Cả nhóm đã sôi nổi luận bàn, mơ mộng về tương lai ĐKH của Việt Nam và cũng không khỏi băn khoăn lo lắng về những gì cần phải làm…

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

THƠ ĐIỀU KHIỂN HỌC


Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC và tưởng nhớ cố GS TSKH Nguyễn Thúc Loan, xin thân gửi các đồng nghiệp mấy bài thơ của tôi trích từ tập TIẾNG THỜI GIAN (NXB Văn học 2013).

Vũ Ngọc Phàn
LỬA

Lửa mặt trời thắp sáng mặt trăng
Lửa con tim thắp sáng cuộc đời

Những bàn tay gân guốc
Gom cỏ khô tháng ngày
Đốt lửa dưới chân

Những con thiêu thân
Lao mình vào lửa
Đêm hoang dã ước mơ

Lửa chụm dưới nồi

LỜI CHÚC MỪNG VÀ THÔNG BÁO

LỜI CHÚC MỪNG VÀ THÔNG BÁO
          Kính gửi các Anh, Chị cán bộ cũ của Ban Điều Khiển học,
          Ngày mai 16.01.2014, chúng ta những cựu thành viên của Ban Điều Khiển học sẽ chúc mừng sinh nhật lần thứ 40 ngày thành lập Ban Điều Khiển học(16.01.1974). Để ghi lại dấu ấn quan trọng này, nhóm liên lạc của Ban xin trân trọng ra mắt trang thông tin điện tử dưới dạng blog, địa chỉ là bandieukhienhoc.blogspot.com với mục đích trao đổi những tâm tư, kết nối tuổi già ấm cúng để nhớ lại muôn vàn kỉ niệm xưa thời trai trẻ và điều quan trọng nhất là để giữ lửa tinh thần Điều Khiển học luôn bừng cháy trong trái tim chúng ta và lan truyền được cho con cháu chúng ta và trong cộng đồng xã hội. Chúng ta có niềm tự hào chính đáng là Ban Điều Khiển học thân yêu dù chỉ tồn tại như ánh sao băng nhưng đã kịp thời là tiền thân, là cội rễ cho việc đặt nền móng phát triển các ứng dụng vô cùng quan trọng tại Việt Nam, đặc biệt trong việc kích thích phát triển ngành công nghệ thông tin và khoa học quản lý các hệ thống khác nhau của môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội…
          Nhân ngày sinh nhật lần thứ 40 BĐKH và cũng là sắp Xuân Giáp Ngọ 2014, xin chúc tất cả các anh chị sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc, bình an và nhất là Tâm luôn tươi trẻ, nhiệt tình với cuộc sống như những năm xưa. Vì Điều Khiển học Hệ thống chính là cuôc sống tươi đẹp thú vị và luôn vô cùng hấp dẫn xung quanh ta. Rất mong nhận được sự đóng góp về mặt thông tin, hình ảnh ngày càng nhiều từ các anh, chị cho blog Ban Điều Khiển học.
                                                                                         Thay mặt nhóm liên lạc

                                                                                    Trân trọng  Ngô Kiều Oanh

40 NĂM BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC

40 NĂM BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC
Các anh chị thành viên Ban Điều khiển học thân mến!
Lại 10 năm nữa trôi qua kể từ ngày chúng ta tụ tập quanh người anh cả của Ban Điều khiển học, GS. TS KH Nguyễn Thúc Loan để kỷ niệm 30 năm ngày ra đời của Ban! Và giờ đây ta chuẩn bị tề tựu với nhau để kỷ niêm ngày sinh 40 của Ban mình, nhưng thật đau buồn vì Anh đã ra đi về cõi vĩnh hằng được 7 năm nay rồi! Chúng ta hãy dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến Anh, người sáng lập Ban Điều khiển học đầu tiên của nước Việt Nam!
Vâng! đã 40 năm ! chúng ta cũng vô cùng thương tiếc tưởng nhớ đến những thành viên Ban Điều khiển học xưa - những người anh, người bạn thân thiết của một thời tuổi trẻ mà nay đã ra đi mãi mãi: Các anh Nguyễn Tùng Sương, Nguyễn Văn Quỳ, Nguyễn Thượng Uyển và Vũ Văn Phúc. Xin mọi người hãy thắp một nén nhang để gửi theo khói hương những lời chân thành thương nhớ cùng với lời chúc an giấc ngàn thu đến với hương hồn của các anh!

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

BÀI PHÁT BIỂU CỦA CỐ GS.TSKH NGUYỄN THÚC LOAN NGUYÊN TRƯỞNG BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC TRONG BUỔI HỌP MẶT KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP (16/01/2004)

Kính thưa các anh, các chị và toàn thể các bạn!
        Xin nhiệt liệt chào mừng các anh, chị đã từng quan tâm, quý mến ngành Điều khiển học, xin nhiệt liệt chào mừng tất cả chúng ta, những thành viên của đại gia đình Ban Điều khiển học, có mặt trong buổi hội tụ hôm nay để kỷ niệm thành lập Ban!
   Thưa các anh, các chị và các bạn!
       Vậy mà thấm thoát đã trôi qua 30 năm, kể từ ngày 16 tháng 01 năm 1974- ngày Ban ĐKH ra đời! 30 năm đúng bằng nửa đời người theo tử vi đầu số( một Hội = 60 năm). 30 năm qua có biết bao biến động bể dâu đã tràn qua trái đất này. Loài người đã bước từ Thế kỷ 20 sang những năm đầu của Thế kỷ 21. Thế giới đã từ 2 cực trở thành đơn cực; đất nước Việt Nam từ 2 miền bị chia cắt đã trở thành một quốc gia thống nhất và đã vượt qua ngưỡng của các nước nghèo. Khoa học Điều khiển đã hội tụ các ngành công nghệ mũi nhọn vào một không gian- không gian điều khiển- Cyber Space…

ĐIỀU KHIỂN HỌC TRONG CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA

ĐIỀU KHIỂN HỌC TRONG CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA
Có lẽ tất cả chúng ta đều rất tự hào là những người đã được tiếp cận với điều khiển học như là một ngành khoa học, như là triết lý của cuộc sống và dành trọn đời cho tư duy, thiết kế và hành động theo tiếp cận hệ thống. Điều khiển học được du nhập vào Việt Nam thông qua các nhà khoa học, các kỹ sư và các cử nhân trong vòng hơn 40 năm qua. Xã hội Việt Nam tiếp nhận điều khiển học một cách dè dặt với những niềm hy vọng có đột phá trong tư duy và hành động.
Tuy nhiên, việc mang lại những đột phá từ tư duy của điều khiển học đã không xảy ra như mong đợi. Điều đó không có lỗi của các nhà điều khiển học. Điều cần nói ở đây là tư duy mới và hệ thống chưa được môi trường xã hội tiếp nhận một cách tích cực. Trong 40 năm qua, tư duy của xã hội Việt Nam đã ngày càng thay đổi: Xuất phát điểm từ việc mở rộng quan hệ quốc tế, tiến tới hợp tác quốc tế và hiện nay đang là xu thế hội nhập quốc tế trong mọi lĩnh vực đã mang đến cho xã hội Việt Nam tính cởi mở hơn, năng động hơn và tích cực hơn. Cởi mở hơn được hiểu theo nghĩa là chấp nhận nhiều ý kiến khác nhau. Năng động hơn có nghĩa là thích nghi với những thay đổi. Tích cực hơn có nghĩa là biết lựa chọn cái đúng, cái tiến bộ, cái bền vững để hành động. Điều đó có được là do có sự đóng góp to lớn của những nguyên lý điều khiển học.

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

CUỘC CHẠY ĐUA TIẾP SỨC BỀN BỈ SUỐT HƠN 30 NĂM

CUỘC CHẠY ĐUA TIẾP SỨC BỀN BỈ SUỐT HƠN 30 NĂM
                                                Kính tặng các anh chị Ban Điều Khiển học
                                                                                                         Nguyễn Tuấn Hoa
       Ý tường nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào quản lý ở nước ta đã có từ trên 30 năm trước. Và cũng từ đó, cuộc tìm kiếm lời giải đúng cho mục tiêu hiện đại hóa của nước ta bắt đầu.

      Cuộc ra quân bề thế đầu tiên xuất hiện vào khoảng giữa thập niên 60 với hai hướng chính là nghiên cứu ứng dụng vận trù học và khai thác máy tính lớn phục vụ điều hành sản xuất, kinh doanh. Những tên tuổi như Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, Phạm Hữu Sách, Hồ Thuần, Nguyễn Quang Thái, Nguyễn Bình Thành, Nguyễn Bá Hào, Dương Quang Thiện, Nguyễn Đình Ngọc, Trần Thành Trai và nhiều người khác đã để lại những dấu ấn như những người khai phá. Kết quả nghiên cứu mang tính chất toán học đẹp đẽ nhưng không tìm được chỗ đứng trong cơ chế quản lý bao cấp thời bấy giờ. Ứng dụng máy tính lớn vào quản lý sản xuất kinh doanh chỉ tồn tại tại một vài đơn vị kinh tế có quy mô lớn ở phía Nam do có điều kiện thực hiện.