Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

CUỘC CHẠY ĐUA TIẾP SỨC BỀN BỈ SUỐT HƠN 30 NĂM

CUỘC CHẠY ĐUA TIẾP SỨC BỀN BỈ SUỐT HƠN 30 NĂM
                                                Kính tặng các anh chị Ban Điều Khiển học
                                                                                                         Nguyễn Tuấn Hoa
       Ý tường nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào quản lý ở nước ta đã có từ trên 30 năm trước. Và cũng từ đó, cuộc tìm kiếm lời giải đúng cho mục tiêu hiện đại hóa của nước ta bắt đầu.

      Cuộc ra quân bề thế đầu tiên xuất hiện vào khoảng giữa thập niên 60 với hai hướng chính là nghiên cứu ứng dụng vận trù học và khai thác máy tính lớn phục vụ điều hành sản xuất, kinh doanh. Những tên tuổi như Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, Phạm Hữu Sách, Hồ Thuần, Nguyễn Quang Thái, Nguyễn Bình Thành, Nguyễn Bá Hào, Dương Quang Thiện, Nguyễn Đình Ngọc, Trần Thành Trai và nhiều người khác đã để lại những dấu ấn như những người khai phá. Kết quả nghiên cứu mang tính chất toán học đẹp đẽ nhưng không tìm được chỗ đứng trong cơ chế quản lý bao cấp thời bấy giờ. Ứng dụng máy tính lớn vào quản lý sản xuất kinh doanh chỉ tồn tại tại một vài đơn vị kinh tế có quy mô lớn ở phía Nam do có điều kiện thực hiện.
       Vào giữa thập niên 70 một hướng nghiên cứu khác đầy ngẫu hứng và táo bạo được triển khai dưới sự dẫn dắt của một nhà khoa học đầy tính cách- nhà điều khiển học Nguyễn Thúc Loan- là “Nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động hóa quản lý các hợp tác xã nông nghiệp” ( được gọi tắt là chương trình ASU). Một khoa học rất cao (thời đó, ở Liên Xô, lý thuyết tự thích nghi được dùng nhiều nhất trong điều khiển học vũ trụ) lại được nghiên cứu ứng dụng vào một trong những nơi có trình độ quản lý thủ công nhất: HTX nông nghiệp. Vậy mà hai nhóm khoa học gồm tổng cộng 15 người đã “chiến đấu” hết mình trên bản địa tỉnh Hà Tây trong khoảng thời gian 3 năm (1974-1977) với đề tài đó. Nguyễn Minh Tuân, Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Tuấn Hoa, Vũ Văn Phúc, Lê Viết Ngư, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Quang Hoan, Lê Huy Thập, Nguyễn Hoài Bão, Đoàn Phúc, Lê Thanh Phùng, Ngô Kiều Oanh, Nguyễn Xuân Huy và nhiều người khác là những người xông pha vào cuộc nghiên cứu có một không hai đó. Khách quan mà nói, kết quả thực tiễn giúp ích cho các HTX không là bao, nhưng ASU lại là một công trình thành công về nhiều mặt. Thứ nhất, lần đầu tiên, khái niệm hệ thống thông tin điều hành HTX nông nghiệp được định hình và từ đó có thể phân tích các trạng thái vận động của HTX. Thứ hai, cơ chế tự thích nghi được ứng dụng trong xử lý các tình huống và trở thành nền tảng cho nhóm nghiên cứu quy hoạch vùng kinh tế ( do Ngô Kiều Oanh chủ trì) sau này ứng dụng để tích hợp các thông tin tài nguyên vùng. Thứ ba, đi sâu vào phân tích hoạt động của một HTX nông nghiệp tưởng như rất đơn giản, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cần phải vận dụng rất nhiều lý thuyết mới có thể mô tả được bản chất hoạt động của HTX, trong số đó, lý thuyết tổ chức, lý thuyết đường chính, lý thuyết săn đuổi mục tiêu và lý thuyết tự thích nghi được xem là “tứ trụ” và vấn đề cấu trúc tổ chức được xác định là trọng tâm. Sự phát hiện này giống như duyên nợ gắn bó với những người đi tìm lời giải theo suốt cả cuộc đời.
         Vào đầu thập niên 80, quyết tâm cháy bỏng của các cán bộ khoa học Việt Nam tự mình thiết kế và chế tạo lấy máy vi tính đã cuốn cuộc tìm kiếm sang một hướng khác. Dưới sự dẫn dắt của giáo sư Phan Đình Diệu, nhóm cán bộ khoa học của Viện Tính Toán và Điều Khiển đã thiết kế và chế tạo thành công chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam: chiếc VT83. Những cái tên như Nguyễn Chí Công, Nguyễn Chí Thức, Nguyễn Văn Tam, Phạm Quang Oai, Trần Bá Thái, Phạm Gia Hiếu, Bùi Xuân Vinh, Đặng Văn Đức, Huỳnh Thúc Cước, Nghiêm Mỹ, Phan Minh Tần, Phí Mạnh Lợi, Trần Xuân Thuận… chắc chắn sẽ còn được nhắc nhiều đến trong lịch sử ngành CNTT Việt Nam. Hướng nghiên cứu ứng dụng Tin học vào thực tiễn quản lý xí nghiệp được xác định một cách cụ thể trong các dự án cấp quốc gia xuyên suốt thập niên 80. Những kết quả tin học hóa của nhóm Vũ Duy Mẫn, Giang Công Thể, Ngô Trung Việt, Lê Văn Bảo và cộng sự Sinco, Olympic thành phố Hồ Chí Minh và của nhóm ASU với Nguyễn Tuấn Hoa, Nguyễn Văn Hùng, Đặng Chu Quân, Nguyễn Việt Cường,Trần Thị Phiến, Nguyễn Thúy Chính, Hoàng Xuân Hiếu, Tạ Bảo Quỳnh và cộng sự thực hiện tại Nhà máy công cụ số 1 Hà Nội là các sản phẩm tiêu biểu theo hướng này. Một hướng nghiên cứu mang đậm màu sắc kỹ thuật là điều khiển các quá trình tự động hóa gần các tên tuổi như Đặng Trần Phú, Nguyễn Bá Dũng, Phạm Thượng Cát, Nguyễn Trung Đông, Vũ Như Lân… với nhiều công trình lớn mà hệ thống tự động điều khiển lò nung xi măng Hoàng Thạch có lẽ là nổi bật nhất.
         Bắt đầu từ cuối thập niên 80, lượng máy vi tính nhập vào nước ta tăng lên nhanh chóng. Sức mạnh của các phương tiện xử lý và truyền thông cũng không ngừng được cải thiện. Điều này tạo thuận lợi cho quá trình nghiên cứu ứng dụng ngày càng mạnh hơn. Tuy vậy các ứng dụng tin học ở nước ta đến đầu thập niên 90 vẫn rời rạc, tự phát và nhỏ bé kể cả quy mô lẫn giá trị đầu tư.
         Mọi việc bắt đầu được xem xét một cách hệ thống và tổng thể chỉ bắt đầu từ 1996 khi Chương trình quốc gia về CNTT được triển khai nhằm thực hiện Nghị định 49/CP của Chính phủ về phát triển CNTT trong thập niên 90. Nhiều người nghĩ rằng khi đã có nguồn đầu tư thỏa đáng thì mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ. Thực tiễn cho rằng không phải như vậy. Sự hăm hở của giới khoa học vào cuộc với mong muốn triển khai tin học hóa quản lý trên diện rộng một lần nữa cho thấy đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Thực tiễn cho thấy quá trình nhận thức các tri thức quản lý và tri thức kỹ thuật của xã hội suốt 30 năm qua ở nước ta là một quá trình diễn ra khá chậm. Thống kê sơ bộ cho thấy những người cổ xúy sử dụng máy tính sau cùng đáng buồn lại là những nhà quản lý và các nhà giáo dục. Ngược lại, sự nôn nóng của các nhà kỹ thuật để lại dấu ấn rõ nét trên các sản phẩm mang nặng tính chất kỹ thuật rất khó xâm nhập vào thực tế. Chỉ ở những nơi các nhà quản lý nhận ra vai trò của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và tìm cách ứng dụng chúng thì  hình ảnh này mới thay đổi. Điều kiện đủ nằm trong tay những người sử dụng. Ở Thừa Thiên Huế, sự năng động và quyết đoán của bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn và chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mễ mở rộng đường cho khoa học công nghệ phát triển đã nhận được những đề xuất ban đầu đầy hứa hẹn: “Thiết kế mở rộng cảng biển Chân Mây với công suất 120 triệu tấn/năm”, “ Chiến lược phát triển kinh tế xã hội dựa trên hai trục phát triển chính “Văn hóa- Du lịch” và “ Giao thông vận tải” tầm cỡ khu vực”, “ Mô hình e- Festival”,… Những chương trình do lực lượng cán bộ tri thức Thừa Thiên Huế phối hợp với các nhóm khoa học của Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia đề xuất này đang tạo ra một khối lượng công việc khổng lồ cho hàng ngàn người tham gia. Đây là lúc mà Trung tâm Công nghệ phần mềm, Công viên phần mềm và 9 trường đại học ở Huế phát huy sức mạnh trí tuệ của mình. Phải nhập cuộc thì quan niệm về vai trò động lực của  CNTT trong phát triển xã hội mới trở nên rõ ràng. Hưởng ứng Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” các ngành, các địa phương đang tích cực triển khai các dự án CNTT. Những câu hỏi hóc búa tồn tại nhiều chục năm nay như “Ứng dụng CNTT nên bắt đầu từ đâu?”, “Làm thế nào để xây dựng được nguồn tài nguyên thông tin xã hội?”, “Quan hệ tương tác giữa ứng dụng CNTT và cấu trúc tổ chức”, “ Vai trò động lực phát triển của CNTT thể hiện như thế nào?”, “ Chiến lược phát triển CNTT Việt Nam là gì?” … dần dần sáng tỏ.
             Sau hơn 30 năm, lực lượng tham gia phát triển đã lớn mạnh hơn nhiều, thế hệ sau kế tiếp thế hệ trước, từ con số có thể đếm được lúc khởi đầu đến nay đã có hàng chục ngàn người, không thể kể tên từng người mà phải nhắc đến họ gắn với những thương hiệu đã và đang tự khẳng định mình tại thị trường trong nước và quốc tế như FPT, VDC, EIS, VSDC, VASC, Hài Hòa, AZ, Tinh Vân, Databank, COTA, SPT, CMC, Tân Dân, Việt Khang, Softtech, SchoolNet, NetNam, Edusoft và hàng trăm tên tuổi khác.
            Ngày nay, với các kết quả phát triển CNTT thành công ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, CNTT được khẳng định là phương tiện chủ yếu giúp các nước đang phát triển có cơ hội đi tắt đón đầu từ nền kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiến thẳng lên nền kinh tế tri thức. Chúng ta đang trong năm bản lề giữa khởi động và tăng tốc. Với lớp thế hệ phát triền CNTT trẻ trung và đầy nhiệt huyết hôm nay, với nhu cầu phát triển CNTT rộng khắp trong toàn xã hội, chúng ta có quyền hi vọng rằng chắc chắn CNTT Việt Nam  sẽ đóng góp một phần xứng đáng trong sự nghiệp hiện đại hóa nước nhà.

                                                                                                           Nguyên Thảo

                                                   Báo Sài Gòn Giải phóng số 9200 ngày thứ ba, 11/2/2013

2 nhận xét:

  1. Cần đính chính lại có phải bài này đã đăng vào năm 2003 ?

    Trả lờiXóa
  2. Đúng bài của Tuấn Hoa được đăng vào năm 2013 vì lễ kỉ niệm 30 năm thành lập ban điều khiển học là vào đầu năm 2004

    Trả lờiXóa