Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

BIẾM HỌA CHÂN DUNG CÁC THÀNH VIÊN BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC


1. GS.TS. NGUYỄN THÚC LOAN, ông tổ của thuật toán tự thích nghi VN, vị thủ trưởng đầu tiên và cũng là cuối cùng của Ban ĐKH, người anh cả, thủ lĩnh đã dẫn dắt 84 chiến sĩ “lương hơi bạc” đi suốt những chặng đường đất dài ở Hà Sơn Bình không biết mỏi. GS đã ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng ý niệm, ý tưởng và ý đồ ứng dụng khoa học điều khiển học của người ở lại với chúng ta vĩnh viễn.

2. GS.TS. ĐẶNG QUANG Á, sinh ra vào một đêm đen, nhá nhem không đèn đuốc, để rồi trở thành một ngôi sao khoa học tỏa sang cháy sém cả vùng trời Á đông.

3. NGUYỄN THỊ KIM ANH, thanh cao, nồng nàn, người đã làm cho nhiều trái tim co giật. Giờ đây đã hạ cánh an toàn, nhưng lại đề nghị “Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đưa ngành ĐKH vào chương trình trọng điểm QG (qui dê)”.
4. TS. NGUYỄN HOÀI BÃO, một thiên hài bẩm sinh, đôi mắt anh như vì sao, tâm hồn tan giữa ngàn mây, bàn tay anh đã chạm đến nhiều đỉnh cao mà ai cũng thích chạm.

5. GS.TS. NGUYỄN BƯỜNG. Nếu như anh Loan là tiến sĩ ĐKH đầu tiên được nhà nước phong tặng, thì Nguyễn Bường là tiến sĩ đầu tiên được quần chúng và tự mình tung hô. Bây giờ 2 bằng TS đã quá chật với thân thể sắt thép của người. Với đôi mắt rực lửa, TS sẽ thiêu trụi mọi thứ trên đường đi của mình và của người khác.


6. PGS.TS. NGUYỄN VĂN CHÂN, một thần tượng của ý chí, chân cứng đá chếch. Anh đã và đang đá ở nhiều sân và sân nào cũng thành công. Xin chúc mừng GS.

7. TS. NGUYỄN VĂN CHÂU, ông tổ của ACU 1 (A Qui number one) với nụ cười không tắt trên môi trừ khi ngồi họp chi bộ.

8. HUỲNH THÚC CƯỚC, một trong những phần tử đầu tiên tham gia vào vụ lắp máy PERT. Nhưng nếu ai đó định phỏng vấn anh về chuyển này, thì người cười xòa rõ tươi và nói “có đếch gì đâu, chuyện vặt ấy mà”.

9. LÊ VIỆT CƯỜNG, người hùng xe phân khối lớn của ĐKH. Anh đã, đang và sẽ đè bẹp mọi thứ cần đè trên đường đua cuộc đời và cuộc tình (trừ một cuộc anh bị đè).

10. HOÀNG PHƯƠNG DUNG, mảnh mai, nhẹ nhàng như tên gọi. Nhưng đó là lợi thế, là sức mạnh giúp chị làm chủ cuộc đời của mình và của vài người khác.

11. PGS.TS. LÊ BÁ DŨNG,  lặng lẽ, lừ lừ đi đến mục tiêu. Anh mơ về một xã hội tự động hóa và tự kỷ bị xóa trên nền tảng công nghệ thông tin.

12. TRẦN NGỌC DŨNG. Đó là ngọc trai, âm thầm, lặng lẽ trong vỏ hến, nhưng vẫn đến đúng lúc những nơi cần đến.

13. NGUYỄN VĂN DŨNG, từng là Chánh văn phòng Công ty Dịch vụ cơ quan nước ngoài (FOSCO). Đối với anh, tháp nước Kim Liên và tháp truyền hình Oxtankino là Ođin X…

14. GS.TS.VS. TRẦN VĂN DŨNG, bậc đại gia cái thế, chân bước đạp ngả nghiêng trời đất, anh yêu những người sống thật. Anh đã từng xông pha, chiến đấu, cắm cờ ở nhiều quốc gia, để rồi trở về yên hàn tại gia sau tấm lưng bà nhà.

15. TS. NGUYỄN VĂN ĐẠT, nhà toán học có khuôn mặt thợ rèn, vẫn dai dẳng theo đuổi nghiệp này. Anh là chuyên gia đầu ngành về các nghiệp chướng của tự nhiên như động đất, lở núi, xói mòn cửa sông,..

16. TS. NGUYỄN CÔNG ĐIỀU, hồng nhan mệnh đẹp. Bí quyết trẻ mãi của anh là vô tư nhiều chiều. “Tăng vô tư, giảm thẹn thò. Hễ thấy bướm lượn là cò bay lên”.

17. NGUYỄN TRUNG ĐỒNG. Anh là đồng đen xứ nghệ, biết sống sướng cho mình và cho nhiều người. Bài đồng giao anh thích nhất “Nếu được gieo hạt giống để mùa sau; Nếu ai đó chọn ta làm điểm tựa; Còn gì hơn làm người lính đi đầu; Trong đêm tối sang láng giềng xin lửa”
18. TS. HOÀNG MINH HẢI,. AXU anh làm tay trái, nhưng đã làm rạo rực miền quê Hợp Tiến, Mỹ Đức Hà Tây. Anh đã giải đáp nỗi trăn trở của Chủ nhiệm HTX Xìn “Cao hơn tiến sĩ là gì? Đó là liệt sĩ, bác ạ”.

19. PGS.TS. NGUYỄN GIA HIỂU, một trong top ten của triều đại ĐKH. GS chăm chỉ, cần mẫn đi đến các đỉnh cao và các ngõ cụt của cuộc đời.

20. TS. NGUYỄN TUẤN HOA, một trong những khai quốc công thần của ĐKH, cánh chân phải của sếp Tuân (Tuấn Hoa hóa Tuân), linh hồn của AXU 2. Lời nói nhẹ tênh, trách nhiệm nhẹ tênh.

21. TS. NGUYỄN CÔNG HÓA, một trong 7 hạt giống của ĐKH, nhà thông thái, ông trùm thông tin đa chiều. Anh đã cống hiến cho ngành thông tin đến sợi tóc cuối cùng.

22. NGUYỄN QUANG HOAN, chuyên gia chọc ngoáy linh kiện, phụ kiện và cũng không bỏ qua phần mềm nào ngon lành bày sẵn.

23. TS. TRẦN TẤT HỢP, Chê-ghê-va-ra của Việt Nam. Anh xuất khẩu ý tưởng cách mạng miễn phí khắp nơi anh tới, riêng tình yêu lưu hành nội bộ cho mình.

24. PGS.TS. PHẠM QUANG HUẤN. Anh bước chậm rãi, vững chắc, nếu không muốn nói là lừ lừ trên con đường sự nghiệp. Từ lâu anh đã hạ cánh, những độ văng quán tính lớn và chất xám còn tồn đọng trong bộ não to vẫn chưa cho anh dừng cống hiến.

25. TS VŨ CHẤN HƯNG, nho nhã, thư sinh, những khi xung trận khoa học thì đề-xi-bel giọng anh thường vượt ngưỡng an toàn.

26. GS. TS. NGUYỄN XUÂN HUY, một trong 7 hạt giống ĐKH đầu tiên, tài năng, đậm đẹp từ mọi góc quay “đầu ánh bạc, ví ánh kim và pin mới xạc”.

27.TS. CHU VĂN HỶ, quen gọi là Chu Hỷ, giản dị vô tư, cứ từ từ mà sống, đâu sẽ có đấy. Câu hát anh ưa thích “Mỗi khi tan ca ta lại ghi thêm một chiến công, là la lá la”

28.TS. VŨ NHƯ LÂN, 40 năm không hề lên cân. Anh là cổ động viên của những điều  quái dị và ưa những người kỳ cục. “Giá như thời đó
Người ta xây dựng quả cầu nước Kim Liên theo hình dáng ngôi sao chổi" là minh chứng về ý tưởng kỳ cục của anh. Câu hát anh khoái nhất “Binh đoàn năm xưa nay đã thành sư đoàn” (Vì câu này hầu như không có thông tin).

29. TS. PHÍ MẠNH LỢI. Tên anh 3 âm trắc đọc nặng miệng, nhưng cái đầu anh nhẹ tênh. Anh nghiên cứu toàn những hệ này mạng nọ rối rắm phức tạp lắm, may mà trán anh thông thoáng dễ nhìn.

30. TÔ QUANG MẬU, người đã thực hiện dự án xây tháp truyền hình VN dựa trên bản quyền tháp nước Kim Liên. Anh viết trong Kỷ yếu 30 năm ĐKH “Nhớ mãi buổi ban đầu khi từ nước ngoài về như con gà công nghiệp”, nhưng vì tế nhị anh không tiện viết tiếp rằng sau 30 năm đàn gà kia nhiều con da đã nhăn nhúm, lông đã rụng gần hết, mỏ đã thâm và không còn sức nhảy…

31. NGHIÊM MỸ. Với trích ngang “Nơi công tác hiện nay: Tự do”, Nghiêm Mỹ có quyền hô nước Mỹ nghiêm. Sự nghiệp có thể không vĩ đại như Chánh Tín, nhưng sự đời, sự tình của anh không kém oanh liệt.

32. TS. NGUYỄN HUY MỸ, đại gia, doanh gia xuyên biên giới, nhà khoa học xuyên quốc gia; người biết biến ý đồ thành hiện thực và biến hiện thực thành siêu thực.

33. TS. NGUYỄN VĂN NGỌC, yêu tóan, say toán, mê toán, sống nhờ toán ở một đất nước ít xài toán.

34. PHẠM QUỐC OAI, một trong những hảo hán đầu tiên của ĐKH, thủ quân đội bóng chuyền lừng danh ĐKH, từng tham gia nhóm gò, hàn, đục, dập máy vi tính VT82, VT83, niềm tự hào của hàng nội.

35. TS. NGÔ KIỀU OANH. Chị sinh năm Quý Tượng, giờ Thiên, là nhà khoa học nữ có học vị cao đầu tiên  của ĐKH, nhà kinh doanh cũng đầu têu của Ban này, nhà hoạt động xã hội lỗi lạc (diễn nôm là lỗi  đường lạc lối).

36.TS. VŨ NGỌC PHÀN. Tên anh như tình báo, khuôn mặt như nhà giáo, nhưng anh chuyên làm thơ, viết báo. Một trong lĩnh vực anh thích là điều khiển và nhận dạng đối tượng có đặc tính hỗn loạn.

37. TRẦN THỊ PHIẾN. Chị phụ trách phần mềm trong quản lý gia đình và xã hội. Đề nghị chị đừng sao nhãng phần cứng, cứ phiên phiến mà dùng.

38. PGS.TS. ĐẶNG THÀNH PHU. Tên anh diễn nôm “OK làm chồng”. Sắc, nhọn, chân thành, ào ạt, anh luôn là người “Anh xin làm bãi trước, em sẽ làm bãi sau, mãi mãi là của nhau”.

39. ĐỖ ĐÌNH PHÚ, đồng đảng của nhóm VT82-VT83, người đưa công nghệ thông tin vào thể thao mặc dù không thấy anh chơi thể thao bao giờ.

40. ĐOÀN PHÚC, mắt đeo đôi kính lúp, cờ vua đánh mọi lúc, ngủ không dám nằm úp.

41. VŨ VĂN PHÚC. Theo tiếng gọi giọng Thừa Thiên của sếp Châu, Vũ Văn Phúc đã lao xe cuốc thể thao Liên Xô về những miền quê nghèo đói với nỗi niềm ưu tư “ĐKH Việt Nam sẽ ra sao? Sơ đồ PERT liệu có hết hơi? Mô hình AXU sẽ thành cái gì?” Và giữa nắng hè chói chang, ngồi rung đùi bên chiếc điếu cày trên tấm phản lim nhà Chủ nhiệm Bùi (sau đó ít lâu đã bị truy tố), tay run run nắm chặt tập phiếu điều hành, anh thét to “Đây rồi, con đường của đội cơ bản đây rồi!” Anh đã ra đi mang theo bao trăn trở.

42. TS. LÊ VĂN PHÙNG, nhỏ nhẻ, từ tốn, anh thâm nhập vào tất cả các lãnh địa từ vi mô, trung mô đến vĩ mô. Mô nào anh cũng không vấp.

43. TS. LÊ XUÂN QUẢNG. “Ai vô xứ nghệ thì vô, choa thì choa cứ Đồi Bò choa mần”. Thầy đồ xứ Nghệ chuyên trị các phương pháp chiếu lặp (hay chiếu gập gì đó) giải các hệ vi phân kỳ dị như chính mình vậy.

44. PGS.TSKH. NGUYỄN VĂN QUỲ, đại ca được anh em quen gọi KBU, tổ sư của mô hình kinh tế lượng VN. Anh đã sống, lao động quên mình, quên tuổi tác, quên sức khỏe, để rồi ra đi vẫn như một vị tướng trẻ.

45. TẠ BẢO QUỲNH, tuy mang họ Tạ, nhưng nhẹ nhõm thanh mảnh. Ta nặng tình với ĐKH.

46. PGS.TS. NGUYỄN ĐÌNH TÀI, chủ nhiệm Cờ-lờ-bờ ĐKH, chức vụ tiến thân trong nghiệp bất đắc dĩ này. Sở trường của anh “tay phải sống nhờ tay trái”. Sau 40 năm tóc đã ra đi gần hết, nhưng nhờ Định luật bảo toàn lông lá nên tổng số mao trên người vẫn không đổi.

47. PHAN MINH TÂN, nữ tướng đầu tiên của ĐKH, thành viên nhóm chủ mưu làm máy thụ tinh gia cầm hàng loạt.

48.TRẦN BÁ THÁI. Vóc lực lớn, trí tuệ to, với mái tóc xù ngôi giữa thẳng tắp, anh đã khẳng định cho mình một chỗ ngồi trong chiếu làng CNTT.

49. TS. BÙI VĂN THANH, đam mê toán học và đam mê việc đời làm anh nghiêng ngả. Anh tâm sự về thời kỳ ĐKH “Đây là quãng thời gian để lại trong tôi nhiều điều nuối tiếc. Giá như có thể lặp lại…” Ba chấm anh viết lửng ấy bố ai biết anh định nói gì!

50. PHẠM ĐỨC THÀNH, một trong 7 phần tử đầu tiên của ĐKH. Anh lặng lẽ, tẩn mẩn làm mọi việc từ khoa học đến không khoa học. Bình luận về sự giải thể ĐKH anh viết “Rất nuối tiếc về sự kiện Ban ĐKH bị thôn tính. Lý do hẳn có nhiều, riêng tôi có cảm nhận anh em mình quá vui vẻ, bịa nhiều chuyện tiếu lâm e có phần ảnh hưởng”. Đúng là một phát hiện độc đáo như chính anh vậy.

51. TS. LÊ HUY THẬP. Anh là tấm gương thương binh làm khoa học. Vì không thuộc diện chỉ tay 5 ngón nên anh đã làm gì là mần thật lực.

52. TS. CAO ĐÌNH THI, hoạt bát, nhanh nhẹn, tràn đầy sức sống. Không một độ cao nào mà anh đình thi thố.

53. TSKH. NGUYỄN MINH TUÂN, vị chỉ huy cánh quân AXU 2 lúc mới 38 tuổi. Với điếu thuốc lá thường trực trên môi, người rít không mệt mỏi, anh lùa quân đi chiến ở các vùng quê, đến đâu biết đấy.

54. TS. NGUYỄN THANH TÙNG. Tiếng đờn ghita và cằm râu quai nón đi theo suốt cuộc đời anh. Câu hát anh yêu “Người ơi ăn đủ xong về!”.

55. TS. ĐÀO CÔNG TUYẾN, nhà toán học lặng lẽ trầm tư nghịch đảo với khuôn mặt tươi cười hớn hở.

56. PGS.TS. LÊ VIẾT NGƯ, quen gọi là Nờ-Gư, nhỏ người nhưng không nhỏ con … Chiến đấu với AXU 2 vài năm anh rút ra kết luận “Hữu thủ đô bất phú, vô xứ bọ bất bần”. Vậy nên, anh đã vô xứ bọ, quê mình, làm “đầu gà hơn đít nhái” ngay giữa Đại học Huế.

57. NGUYỄN CẢNH NAM. Rời ĐKH bất đắc dĩ để vào quân ngũ, thoát khỏi đời lính, có ít vốn đời, anh đi làm quân sư, thầy dùi cho thiên hạ. Phương châm sống của anh   “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho lòi tiến ra”.

58. NGUYỄN THỌ, nhà toán học trong hình hài nông dân xứ Nghệ, đồng đảng của AXU 2. Ghét sự ồn ào, nhốn nháo Hà Thành, anh bôn ba tìm chốn an lành, để rồi lạc đến Sài Thành sống chung với “nhiệt”. Đành!

59. NGUYỄN VĂN TRƯỜNG, quyết trở về quê hương, nơi có sẵn người thương, “sượng!”. Là chiến binh của AXU 1, bao điều thu lượm được, sợ để lâu thui chột, anh đưa về quê ta.

60. BÙI XUÂN VINH, hồng nhan bạc tỷ. Bèo dạt mây trôi, như đóa bèo kim cương, chị dạt đến thành Balê tráng lệ (ngất ngây nhiều con gà tây), để lại bao trái tim ngơ ngác, sống cũng như đã ‘thác’. 

61. HOÀNG HỮU TIẾN, ngoại hình Nô-ben, ẩn gien người Đức. Tổ trưởng tổ lý thuyết ĐKH, nhưng đất nước này nhỏ hẹp, anh đã sang ngang đến miền đất hứa.

62. BẠCH ĐẰNG THẮNG, đại gia, vất vả, một đời xông pha, “hai lần sương ba loại nắng”. Tuy là thành viên tổ lý thuyết của ĐKH, nhưng anh chưa bao giờ ngẩn ngơ. Rừng bạch dương thẫn thờ, người  ra đi tìm hình của “rúp”.

63. NGUYỄN VĂN TỨ, còn ai vuông hơn nữa chứ, tuy sống trong quân ngũ, vẫn không rời nghề toán cũ, bây giờ đã về hưu, vẫn ăn đủ.

64. NGUYỄN THƯỢNG UYỂN, người rất hay chuyện và uyên thâm hơn người, cám cảnh sự đời anh đã đi xa và mãi mãi.

65. NGUYỄN HUYỀN LY. Không có gì làm anh mê si, mọi điều đều có lý, cả việc anh  hơn nửa đời sống cùng chiến sĩ. Không hề gì, đừng tìm tớ làm chi!

66. TRẦN HUỆ NƯƠNG. Còn ai nhớ, còn ai thương? Chị sớm rời Hồ Gươm để về với quê hương xứ Sài, thương!

67. LÊ THU PHƯƠNG, bóng hình còn vấn vương trong lòng các chàng trai ĐKH (đã quá đát).

68. NGUYỄN TÙNG SƯƠNG, sống đẹp,  bao người nhớ thương. Anh là thành viên Tổ mô hình, làm việc tận tình,  chân tình, hết mình, sống cuộc đời tha phương và ra đi mãi trong buồn thương.

69. NGUYỄN TUẤN PHÚC, phong thái trí thức, suốt đời ăn lộc Đức. Anh là dân Tổ Kỹ thuật, hào hoa phong nhã sống theo phương châm “Của người Phúc ta”.

70. MAI HÀ. Phương châm sống của anh “Làm người khác vui là mình sướng, thấy người khác sướng mình sướng hơn.”

71. TS. LÊ DŨNG. Anh là sếp Tổ kỹ thuật, sống chân thật, nhẹ nhàng, rồi đi sang ngang làm công chức, thành quan với cái đầu trí thức. Sống thảnh thơi sợ gì mưa rơi!

72. TS. NGUYỄN HUY VIỆT, to con và quyết liệt. Là tuyển thủ bóng chuyền ĐKH, anh nổi danh: nhảy đập cao như đứng. Phương châm sống của anh là “Tiền ai nấy tính, tình ai nấy tiến”.

73. TS. ĐINH TẤN TRUNG, một trong 7 sáng lập viên ĐKH. Sống bát ngát, anh sớm zô nam tìm “lối thoát”. Dáng anh nhỏ mập (mà tấp nập người theo).

74. KIM DUNG. Nàng như đóa mây hồng thoảng qua Đêkahát, làm bao trái tim ngơ ngác, nhưng chưa kịp tan nát. Rồi, nàng đã đi thư/tu viện quốc gia, dịu dàng nhưng hơi bị phũ phàng.

75. NGUYỄN VĂN DIỄM, người Tổ AXU 2, đẹp trai, trắng trẻo. Anh chẳng màng thủ đô, không thiết tha tháp rùa, chỉ thích về với “bu”, nơi quê cha đất tổ. Không hề khổ!

76. NGUYỄN CÔNG TÂM. “Khà khà, hờ hờ, rất cơ bản, xoáy đi!” To con, to tiếng, anh là tay cổ động bóng chuyền lão luyện và là người hay chuyện. Phương châm sống của anh “Thà nhịn đói chứ không nhịn nói”.

77. LÊ ĐỨC KIỆM, “Zigan xứ nghệ”, sống nhờ những “khúc rẽ”, đời đến đâu, mặc kệ!

78. VŨ NGỌC CHÂU, lông dày và râu rậm, bước chầm chậm thẫn thờ, đánh cờ như Fi-sơ. Trầm lặng, người ngoài hành tinh, anh sống với chính mình, chuyện nói thật hóm hỉnh. Đời không là cái đinh!

79. BÙI GIA DŨNG, một trong ngũ Dũng ĐKH, nhà AXU học chất phác, với phái đẹp hơi dát, sống cuộc đời “bát ngát”.

80. TS. VŨ XUÂN MINH, người Tổ Lý thuyết, nho nhã, thư sinh, chuyện trên trời dưới bể anh luận hơn Khổng Minh.


81. NGUYỄN XUÂN QUANG. Người Quảng Trị trầm tư, thành viên Tổ Kỹ thuật, sống tháng ngày tất bật, rồi vương chút bệnh tật. Ra viện anh zô nam. Cuộc sống mới sang trang! “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục vẫn là cái ao!”

4 nhận xét:

  1. Tuyệt phẩm Họa mà không Cần có tranh vẽ! Nét chữ gọn sắc hơn nét bút lông lột tả hết hình thức, Nội dung, trí,nhân và cả ...quả ở trong cùng mấy lớp áo quần của từng nhân vật ĐKH trên đời này mấy ai làm được. Ở Ban ĐKH người này đúng là siêu Đình Tài vậy.!
    Dưng mà còn thiếu nhiều nhân vật nữa. Nhất là mấy Mỹ Nữ như Bùi Xuân Vinh, Trần Huệ Nương, Lê Thu Phương và nhiều Mỹ Nam tử khác Ngô Thành Đồng, Nguyễn Thượng Uyển, Nguyễn Tùng Sương, Phúc Đức

    Trả lờiXóa
  2. Vâng có đến 84 Anh, chị kia mà! Xin họa sĩ tiếp tục Hí Họa cho thêm Dzui ạ! Riêng Em khi nghe tin Giải thể Ban ĐKH đã quay lại Hương Sơn Lên chùa vừa hu, hu vừa xin Sơn Nữ Chùa Hương một quẻ. Sau khi đọc được quẻ Thơ sau em đành ngậm cười mà ha, ha...! quẻ Thơ em xin chép lại rằng:
    LỘN ĐỀ
    Những Vĩ nhân làm Thơ vô đề tuyệt hay
    Những Thi nhân làm Thơ có đề rất hay
    Những Mỹ nhân làm thơ không đề càng hay
    Còn Mi làm Thơ LỘN ĐỀ vì quá...say
    Thiên Hạ vui Thơ mi lại buồn
    Thiên Hạ khóc Thơ mi cười tuôn
    Thiên Hạ yêu mi làm Thơ ghét
    Thiên Hạ dại mi làm Thơ khôn
    Thơ LỘN ĐỀ càng LỘN ĐỀ hơn
    Mi ngấm say say đến mê hồn
    Mùa Xuân đến Thơ mi mùa Hạ
    Khịa ai tát mi làm Thơ hôn
    Đã lộn ĐỀ cho lộn ĐỀ luôn
    Mi đã say say đến mê hồn!
    ...Thấy chưa
    Ha, ha, thấy chữ rồi mà con chưa hiểu nghĩa ạ!
    40 mươi năm sau mi sẽ hiểu cả nghĩa cả lý thôi !
    Vâng xin kể lại sự thật nghìn phần trăm đấy ạ,

    Trả lờiXóa
  3. Cách đây 40 năm, ngày này em còn chưa bảo vệ luân án TNĐH( em xưng em vì em tốt nghiệp phổ thông năm 1969, thế cho nên trong ban BDK em chẳng hơn tuổi ai. Các anh chị đi tu nghiệp ở nước ngoài thời gian học dài hơn trong nước mà).
    Tháng 7 năm 1974 em mới nhận quyết định về, lúc đến - tầng 5 của cái nhà to tướng ở 39 Trần Hưng Đạo, tầng cách nhiệt mùa hè nóng như cái lò, hình ảnh đầu tiên em nhớ mãi là cái quạt máy quay vù vù - và nụ cười thật xinh tươi, thật gần gũi và đáng mến của chị Kiều Oanh...
    Từng ấy năm qua rồi, em vẫn còn nhớ cái bàn làm việc bừa bộn những miếng nhựa mầu nâu tím, những khoan tay, mỏ hàn và mùi nhựa thông cháy ... với tiếng cười nói , đôi khi - đôi khi thôi có một giọng Quảng nôm - Quảng Ngãi rất to. Đôi khi thôi, còn bình thường anh ấy nói rất ngọt và có giọng hát hay nữa , chơi guitare nữa. Em còn nhớ trong lần kỷ niệm 1 năm BĐK học anh ấy cùng với anh Tùng còn hát nhại theo nhạc của bài "Sugar Baby Love" để đùa thủ trưởng Loan về chuyện tuổi băm mờ vẫn chưa có vợ .. Hì - không khí hăng hái tràn đầy nhiệt huyết trong công việc, vui nhộn thoải mái trong đời - như vẫn còn đây , thế mà nay thủ trưởng và một số anh đã thành người thiên cổ

    Trả lờiXóa
  4. Có thế chứ, ĐKH đã sống lại sau 40 năm biệt tích giang hồ. Đoc đã thấy khẩu khí sảng khoái như ngày nào... Bái phục.

    Trả lờiXóa