Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

MỘT SỐ KỶ NIỆM VỀ BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC

MỘT SỐ KỶ NIỆM VỀ  BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC
Nhớ lại ngày thành lập Ban:
Ngày 16/1/1974, tức ngày 24 (Đinh Tỵ) tháng 12 (Ất Sửu) năm 1973 (Quý Sửu), một sáng đẹp trời cuối đông trên tầng 2 ngôi nhà Pháp cổ ven Hồ Tây tại số 2 Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội, nhìn ra mặt Hồ sương sớm vẫn còn giăng một lớp mờ ảo. Tiết trời lạnh ngọt, nhưng có 7 trái tim[1] rất nóng của những kỹ sư, cử nhân tuổi ngoài đôi mươi vừa tốt nghiệp từ Liên Xô về đang quây quần bên người anh (cũng chỉ mới 33 tuổi thôi) Tiến sĩ KHKT Nguyễn Thúc Loan. Mấy anh em vừa uống chén trà hương Ba Đình vừa nhâm nhi mấy viên kẹo lạc để nghe anh Loan thông báo sự kiện thành lập Bộ phận Điều khiển học (ĐKH) thuộc Khối Khoa học Cơ bản của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (sau đó mới có quyết định là Ban Điều khiển học). Với tư cách Trưởng Bộ phận, anh Loan đã phổ biến lại tinh thần về buổi gặp gỡ của anh với các Bác lãnh đạo Chính phủ để trình bày đề cương tổ chức hoạt động của ĐKH Việt Nam. Anh Loan đã phác họa viễn cảnh hoành tráng của ngành ĐKH, một ngành khoa học tổng hợp có liên quan với tất cả các bộ môn khoa học khác nhau, cả lĩnh vực tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ và cả lĩnh vực xã hội. Vì vậy ĐKH được tập hợp tất cả những người xuất săc từ các chuyên ngành khác nhau về. để cùng thực những nhiệm vụ nghiên cứu thật nặng nề nhưng vinh quang của Ban. Cả nhóm đã sôi nổi luận bàn, mơ mộng về tương lai ĐKH của Việt Nam và cũng không khỏi băn khoăn lo lắng về những gì cần phải làm…
mặc dù, ngoài anh Loan, chưa ai nhận được Quyết định tuyển dụng chính thức[2]! Quả vậy, những ngày tháng tiếp theo số biên chế được bổ sung thêm những gương mặt trẻ trung, những bộ óc giỏi giang, những trái tim đầy nhiệt huyết. Ngoài những kỹ sư, cử nhân còn có thêm các anh Phó tiến sĩ vừa bảo vệ thành công luận án từ các nước Nga, Đức, Hung, Tiệp khắc về. Con số tăng lên nhanh chóng 15, 20, 30.
-Những ngày làm việc đầu tiên: Tháng đầu, Ban được bố trí tạm thời làm việc ở trên tầng áp mái của tòa nhà 39 Trần Hưng Đạo (trụ sở của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước- nay là của Bộ Khoa học và Công nghệ). Mỗi ngày làm việc, cả Ban đều đến sớm tập trung đứng quanh chiếc bàn Đá granite (lúc này chưa có ghế) để nghe anh Loan phổ biến kế hoạch rồi tản ra đến các thư viện đọc sách. Lúc đầu chỉ có 2 nhóm chuyên môn là nhóm Mô hình và nhóm Thông tin. Cả nhóm xé nhỏ cuốn sách của Mikhalevsky, chia nhau đọc từng chương để thuyết trình Xemina về Mô hình Kinh tế vĩ mô.

[1] Gồm các anh: Nguyễn Thúc Loan, Nguyễn Xuân Huy, Phạm Quang Oai, Vũ Văn Phúc, Phạm Đức Thành, Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Công Hóa.
[2] Đến 16  tháng 4/1974 mới có Quyết định tuyển dụng do PCN UBKHKT NN Lê Khắc ký, tuy nhiên vẫn đề là kể từ ngày 16/1/1974

Cùng trong năm đó biên chế được tiếp tục bổ sung tăng lên 40, 50 rồi 65… với tốc độ nhanh có lẽ cho đến nay chưa có ở nơi nào, khi nào được lặp lại!  Sang năm 1975 Ban đã được cấp trụ sở làm việc riêng tại 3 dãy nhà D thuộc khu nhà viện trợ của CHDC Đức (có tháp nước hình quả cầu) tại Kim Liên. Lúc này đã hình thành các tổ chuyên môn, do các anh Phó tiến sĩ (PTs)- nay gọi là Tiến sĩ, phụ trách với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng hơn: Tổ Mô hình (anh PTS Nguyễn Văn Quỳ), Tổ Thông tin Kinh tế (anh PTs Phạm Quang Huấn), Tổ Điều khiển Kỹ thuật (anh PTs Nguyễn Gia Hiểu), Tổ Tự động hóa (a TS. Hoàng Hữu Tiến), sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước có thêm Tổ ACY1 (anh PTs. Nguyễn Văn Châu), Tổ ACY2  (anh PTs. Nguyễn Minh Tuân). Mỗi Tổ đều có 1-2 phòng làm việc với đầy đủ bàn ghế, tủ được trang bị mới cho mỗi nghiên cứu viên của Ban. Hầu hết cán bộ của Ban được cấp chỗ ở tập thể. Năm 1976 Ban cũng được cấp một số căn hộ lắp ghép mới xây ở Trung Tự.
            Anh Loan đã nói đúng! Sở dĩ Ban ĐKH được ưu tiên đặc biệt như vậy, có thể do sự nhận thức được tầm quan trọng của ngành ĐKH đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, nên lãnh đạo nhà nước, đặc biệt là Cố Tổng Bí thư Đảng Lê Duẩn, Cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng và Cố Chủ nhiệm UBKH&KTNN Trần Đại Nghĩa đã quan tâm trực tiếp đến Ban ĐKH non trẻ. Kể từ nửa cuối năm 1974, hầu như hàng tuần Trưởng Ban Nguyễn Thúc Loan được các bậc lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước mời đến để nghe báo cáo về kế hoạch (đúng hơn là chiến lược) nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Điều khiển học cho đất nước Việt Nam (sẽ được thống nhất trong thời gian rất gần). Rồi những nhiệm vụ cụ thể đã được các Bác giao cho Ban…
-Những hoạt động của Ban :
Sang năm 1975 với lực lượng hùng hậu, Ban ĐKH đã triển khai nghiên cứu trong một loạt lĩnh vực quan trọng như Điều khiển học kinh tế, Điều khiển học kỹ thuật, ACY (Tự động hóa quản lý), lắp ráp máy tính-điều khiển. Các Seminar, Hội thảo khoa học trong nước đều có sự tham gia của các báo cáo viên thuộc Ban ĐKH. Nghiên cứu Điều khiển học đã thu hút được đông đảo lực lượng các cán bộ nghiên cứu và giảng dạy (toán, máy tính, kỹ thuật…)  trong nước tham gia.
Về ứng dụng Ban được giao nhiệm vụ thử nghiệm xây dựng mô hình kinh tế vĩ mô, mô hình cân đối liên ngành cho Việt Nam, mô hình ACY Cảng Hải phòng, ACY xí nghiệp cơ khí Hà Nội. Đặc biệt sau khi đất nước thống nhất (30/4/1975), để thực hiện ý tưởng xây dựng cấp huyện thành “ pháo đài Kinh tế-Quốc phòng vững mạnh” sẽ được đề ra trong Đại hội lần thứ IV của Đảng (sẽ họp vào ngày 14-20/12/1976), một đội ngũ đông đảo cán bộ của Ban ĐKH được rầm rộ đưa xuống cơ sở để xây dựng thí điểm mô hình ACY nông nghiệp tại các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức và Ba Vì thuộc Hà Tây (sau đó là Hà Sơn Bình).  Tổ chức xây dựng mô hình thông tin quản lý cấp huyện và Hợp tác xã (HTX) theo hướng Nông-Công nghiệp hiện đại. Các Tổ chuyên môn ACY1, ACY2, Tổ MIS (thông tin quản lý cấp huyện) của Ban được đưa xuống nằm vùng tại UBND các huyện thí điểm, một số xuống 3 cùng với các Hợp tác xã (như Từ Châu, Bình Đà, Hợp Tiến, Hợp Thanh, Hương Sơn, Phù Lưu Tế…).
Phong trào ứng dụng ĐKH đã lan tỏa mạnh mẽ khắp cả nước. Ở Trung ương cũng như các địa phương đi đâu cũng nghe nói về ĐKH, ACY. Một số Bộ, ngành đã mở các hội nghị mời các báo cáo viên đến thuyết trình về ĐKH. Và đặc biệt là ở tỉnh Hà Sơn Bình đã thường xuyên tổ chức các lớp học cho cán bộ lãnh đạo tỉnh huyện, xã, theo giáo trình do Ban ĐKH soạn. Hà Nam Ninh, Thái Bình…cũng đưa xe lên đón các anh ở Ban về thuyết trình cho cán bộ lãnh đạo tỉnh, và ngành.
Kết quả là Mô hình kinh tế lượng vĩ mô đầu tiên của Việt Nam đã được Ban ĐKH công bố trên tạp chí KHKT vào năm 1975-1976. Máy tính điện tử Analog (được gọi là máy PERT) đầu tiên do các kỹ sư trẻ của Ban chế tạo được đưa vào ứng dụng để tính toán kế hoạch cấp huyện cho Hà Sơn Bình. Nhiều báo cáo khoa học về quá trình ứng dụng ĐKH đã được trình bày tại các cuộc Hội thảo, Hội nghị Khoa học của các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu. Một số báo, đài đưa tin khích lệ phong trào, đặc biệt là tinh thần hăng say “đưa máy tính về ruộng đồng”của các nhà ĐKH trẻ.
-Ban ĐKH giải thể để tổ chức lại:
Thế rồi vào buổi chiều một ngày cuối Thu, đầu Đông năm 1976. Toàn thể cán bộ của Ban ĐKH được triệu tập họp, để nghe Trưởng Ban phổ biến quyết định của cấp trên giải thể Ban ĐKH cùng với Phòng Máy tính thuộc UBKH&KTNN để Chính phủ thành lập Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển, trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam.
Các thành viên Ban ĐKH ra về buồn tênh! Anh, chị, em vẫn đọc sách, làm việc chờ tổ chức mới với hy vọng Ban ĐKH giải thể, nhưng không giải tán, quan điểm ĐKH sẽ được phát huy và phát triển trong tổ chức mới.
            Sau đó tại Nghị định số 264/CP, ngày 27 tháng 12 năm 1976 của Chính phủ, Viên Khoa học Tính toán và Điều khiển được phê duyệt về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức để chính thức đi vào hoạt động.
-Đôi lời về cố Trưởng Ban Nguyễn Thúc Loan
            Đáng buồn đối với đa số thành viên trẻ như chúng tôi lúc đó là trong Ban lãnh đạo mới của Viện đã không có anh Loan tham gia.
Lý do vì sao hiện nay vẫn còn nhiều luồng thông tin giải thích. Theo tôi biết không phải như dư luận đồn thổi nghiêng về phía phê phán quan điểm khoa học, hoặc tính cách “không bình thường” của anh Loan! Cũng không phải do Lãnh đạo Đẩng, nhà nước không còn ủng hộ ĐKH, hoặc các nhà khoa học đầu ngành lúc đó không ưa nhau, khó ngồi chung với nhau. Nghĩ như dư luận sẽ oan cho các Bác Lãnh đạo đã từng ủng hộ ĐKH lúc đó, oan cho anh Loan và các anh lãnh đạo khoa học tiền bối.
Tôi may mắn là người cư ngụ tại ngôi nhà 2 Thụy Khuê, nơi 7 anh em đầu tiên của Ban ĐKH ngồi với nhau vào ngày thành lập Ban. Vì anh đã nhường suất nhà ở được cấp của mình cho các anh khác hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn, anh vẫn đi ở nhờ, nên nhà tôi cũng là nơi mà anh Loan thường đến chơi tâm sự, sau mỗi khi anh được gặp gỡ các vị lãnh đạo để báo cáo công việc, khi được khích lệ, góp ý hoặc phê bình trong suốt quá trình hoạt động của Ban. Cũng như vậy, sau khi Ban ĐKH giải thể, anh đã đến nhà tôi tâm sự suốt cả một buổi tối và nói rõ lý do vì sao anh không tiếp tục làm công tác quản lý khoa học nữa, nhưng làm công tác nghiên cứu hoặc giảng dạy thì rất được khuyến khích và được tạo mọi điều kiện theo nguyện vọng của Anh. Sau này anh vào công tác trong miền Nam, hoặc đi Nga về, mỗi khi ra Hà Nội anh đều ghé đến chố tôi tâm sự, hàn huyên.Trước ngày kỷ niệm 30 năm thành lập Ban, anh cũng đến nhà tôi hàn huyên cả buổi chiều. Tôi hỏi anh, sao không nói rõ cho công luận biết lý do, để xóa đi những đàm tiếu ác ý. Anh ừ hử nói rằng lâu quá rồi ai nghe, ai tin mà cũng chẳng thấy ai hỏi chính thức !?Thế rồi mấy năm sau anh đã ra đi về nơi tiên cảnh.
Thật đáng tiếc! vì tôi cứ đinh ninh sẽ có dịp các nhà nghiên cứu về lịch sử phát triển khoa học của Việt Nam rất cần những tư liệu gốc về ĐKH, cũng như với tất cả các chuyên ngành khoa học khác của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng với phương tiện CNTT hiện đại và Internet, chắc là các cơ quan khoa học họ sẽ tổ chức ghi lại được những phỏng vấn sống về những nhân vật lịch sử của các ngành, trong đó có GS,TSKH  Nguyễn Thúc Loan. Cũng như trong lĩnh vực quản lý nhà nước, từ năm 2005 khi được giao nhiệm vụ quản lý dự án Website Chính phủ (www.chinhphu.vn), tôi cũng đã kịp làm được tư liệu cho một số bậc lão thành, trong số đó đến nay có các cụ đã mất, như Bác Võ Nguyên Giáp. Giờ đây những tư liệu đó trở thành vô giá:
Thời gian từ ngày thành lập ĐKH, đến nay đã 40 năm rồi! các thành viên ngày ấy còn lại, trẻ nhất cũng U60! lứa chúng tôi cũng đã U70, các anh Châu, anh Tuân, anh Hiểu, anh Huấn cũng đã vượt ngưỡng “xưa nay hiếm”! Các anh chị em đều có con cái đã trưởng thành cả. Nhiều anh, chị đã có cháu nội, ngoại đề huề. Riêng tôi cũng đã có chắt rồi! 
Dù làm việc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lĩnh vực nào, sau 40 năm nhìn lại những thành, bại đã trôi qua trong cuộc sống, rất mừng là mọi thành viên của ĐKH đều ghi nhận những ngày, tháng làm việc với nhau ở Ban ĐKH là thời gian trong sáng, đẹp đẽ, sôi nổi nhất của lứa tuổi thanh niên. Mãi mãi hình ảnh ngườiTrưởng Ban đáng kính GS, TSKH Nguyễn Thúc Loan, cùng những anh đã đi trước về cõi vĩnh hằng vẫn luôn được lưu giữ trong ký ức của mỗi người.
Tết Giáp Ngọ sắp đến rồi! Xin Kính chúc các anh, các chị ĐKH cùng toàn thể gia quyến an lành, hạnh phúc, vạn sự như ý!
                                                                                     Thân mến
                                                                           Nguyễn Công Hóa  

1 nhận xét:

  1. Chẳng lẽ đến lúc kỷ niệm 50 năm của Ban ĐKH mọi người mới được biết tại sao Ư!

    Trả lờiXóa