Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Họp mặt đầu xuân 2014

Kính gửi các bạn hình ảnh họp mặt giao lưu ngày 23/02/2014
(tức ngày 24 tháng Giêng năm Giáp Ngọ)

tại Trang Trại Đồng Quê Ba Vì
Từ trái qua phải: Đỗ Đình Phú, Vũ Chấn Hưng, Phạm Quang Oai, Đặng Thành Phu, 
Phí Mạnh Lợi, Lê Bá Dũng, Lê Thành Lân, Bạch Đằng Thắng, Huỳnh Thúc Cước, 
Ngô Kiều Oanh, Hoàng Phương Dung, Nguyễn Đình Tài, Phạm Quang Huấn, 
Nguyễn Văn Chân, Cao Đình Thi, Trần Tất Hợp, Nguyễn Cảnh Nam,
 Nguyễn Công Điều, Trần Bá Thái

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

SƯỚNG THẬT - Mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3

Tuần trăng mật. Chàng và nàng, cặp vợ chồng mới cưới trong căn phòng hạnh phúc nhỏ nhắn, ngăn nắp. Nàng ngồi thu chân trên giường đan áo. Chàng ngồi đọc sách khoa học, tay trái búng búng trên mặt bàn, miệng khe khẽ hát “…không cho chúng nó thoát, không cho chúng nó thoát…”

Chàng nghĩ “Làm chồng sướng thật, không hiểu vì sao sướng, chỉ biết là sướng. Theo bất đẳng thức Cosi dễ dàng suy ra…kiểm tra cái xem”. “không cho chúng nó thoát…”chàng hát. Nàng nghĩ: “Lấy chồng sướng thật. Chỉ riêng cái khoản không phải đứa nào cũng lấy được chồng là đã khoái rồi. Chỗ này hai lên một xuống”.

Chàng nghĩ: “Có vợ hay thật. Vợ mình trông thế mà dễ coi, có duyên, dịu dàng thật, ngồi đan áo cho chồng. Đáng yêu làm sao. Hừ, chỗ này lại dễ dàng suy ra, thằng nào viết quyển sách này thế? Rao! Hừ”. “Không cho chúng nó thoát…” Nàng nghĩa: “Làm vợ hay thật, ít ra từ nay cũng đỡ được khoản đi uốn tóc, làm đầu tốn tiền, mất thì giờ. Ông xã hơi đen, nhưng được cái vui tính. Chỗ này 92 mũi, ba lên một xuống….”

TÂM SỰ với chị Thanh Tâm - Mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3

Chị Thanh Tâm thân mến!
           
Trước khi kể lể với chị, tôi xin chúc chị nhận được nhiều thư xích mích, lục đục để chị giải quyết. Bức thư này tôi xin đề cập tới vấn đề bình đẳng trong nội bộ nam nữ và không nhằm chống một bên thứ ba nào khác.

Thưa chị, tôi là đàn ông (điều này muốn chứng minh lúc nào cũng được). Lúc hấp hối, ông nội gọi tôi và 10 chị gái tôi đến gần quan tài và bảo: “Thập nữ vô con, nhất nam nhất con” (Tôi nhớ mang máng thế chứ không hoàn toàn chính xác vì câu này gốc hoa). Nói xong ông tôi chết luôn. Hôm sau bà tôi hấp hối và cũng triệu chúng tôi đến thều thào: “10 đứa con gái không bằng một cái… thằng này”. Tôi nhìn các chị tôi thấy không ai phản đối cả. Mà trái lại đến giờ các chị vẫn gật gù: “Các cụ đến chết vẫn còn minh mẫn”.

Kể ra thế cũng hơi quá quắt. Tự nhiên chị em không là cái gì cả, các cụ đặt đâu chị em nằm, ngồi ở đó, phục vụ các đức ông chồng hết ý bài thơ.

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG CA DAO

Ngày nay công cuộc ca ngợi phụ nữ bước sang một giai đoạn mới. Nếu như trước kia người phụ nữ được ca tụng trong dạng đơn chiếc: trong các tác phẩm điêu khắc, hội họa của các nghệ sĩ thời phục hưng… Chị em thường được đặt trong những tư thế lộ thiên đầy mạo hiểm, thì ngày nay khung cảnh thật hãi hùng. Công cuộc ca ngợi chuyển sang thể tổng lực: mọi phương tiện phát thanh, truyền hình, văn chương, thơ ca hò vè, phim kịch…thậm chí cả tiếu lâm, văn tế…cũng được huy động mà chưa đủ nói hết tâm can của phái mày râu. Phụ nữ không còn bị để trần trụi như trước, họ đứng trong tổ chức, trong quần chúng, quần thể. Bây giờ là hình ảnh phụ nữ trong lao động, trong sản xuất, trong khoa học, trong gia đình văn hóa mới,…nhiều vô kể xiết. Đặc biệt, ở đâu lấp ló bóng dáng tình yêu, nồng nàn tình củ thì ở đó hình ảnh người phụ nữ nổi lên sáng lòa. Nếu thơ ca, văn học, phim ảnh là những ổ truyền tình, thì ca dao là cội nguồn của tình yêu, nó là miếng đất phù sa trên đó mọi sắc thái, mọi tính cách của phụ nữ được bộc lộ một cách độc đáo và đáo để.

Trong ca dao cổ truyền, cái tên phụ nữ, thiếu nữ, thanh nữ, đàn bà, bà xã…đồng loạt vang lên một cách thiết tha và hùng dũng. Phụ nữ là nguyên nhân của những tình yêu tự phát:

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

LỆCH PHA (hài kịch)

ĐƯA XI-BEC-NÊ-TIC VỀ QUÊ

(Hài kịch, một màn)

CÁC VAI:

-         Ông Mắc – chủ nhiệm Hợp tác xã, khoảng 50-55 tuổi (CN)
-         Ông Phán – cán bộ Huyện, khoảng 40-45 tuổi (CBH)
-         Anh Tưởng – kỹ sư điều khiển học, khoảng 23-25 tuổi (KS)
-         Anh Phễu – nông dân, vai phụ

BỐ TRÍ:   Nhà ông chủ nhiệm HTX: 1 bàn, 3 ghế, 1 bộ ấm chén, quyển sổ công tác, tờ báo, điếu cày, 1 chõng tre (hoặc phản).
          Ông chủ nhiệm Mắc đang ngồi rít thuốc lào, hai chân ghếch lên ghế vẻ khoan khoái. Có tiếng gõ cửa, hai người đàn ông bước vào: cán bộ huyện Phán vai đeo xà cột, kỹ sư Tưởng tay xách túi du lịch.

ĐỔI MỚI CÁCH NGHĨ

Cả phòng Thống kê ngồi bứt tai. Chưa bao giờ trong lịch sử họp hành lại có cuộc hội nghị bế tắc đến như vậy. Đến cả những vị mê phát biểu nhất, hay pha trò đùa tếu nhất hôm nay cũng ngồi ì ra như bị bấm huyệt “cấm khẩu”. Một số vị do tư duy quá mức mà không lóe ra được ý nào đã díp cả hai mí mắt lại ngủ ngồi, số còn lại mưo màng ngắm khói thuốc lá. Là một cán bộ dày dạn trong họp hành, trưởng phòng Trần Chóng biết đã đến lúc phải bế mạc cuộc họp:
-         Các đồng chí ạ, lời huấn thị của đồng chí lãnh đạo tỉnh nhà vẫn còn sờ sờ ra đây: cơ quan phải làm thế nào đẻ tháo gỡ những khó khăn bức bách của huyện nhà, phải phấn đấu nâng cao mức sống của nhân dân toàn huyện, đưa sản xuất phát triển theo chiều rộng, chiều sâu và chiều ngang, làm ra thật nhiều của cải vật chất cũng như tinh thần cho xã hội, phải hạn chế sinh đẻ, tăng năng suất lao đọng, tăng nguồn hàng xuất khẩu…Nói theo ngôn ngữ thống kê của các đ/c là phải làm cho đồ thị về mọi mặt chỉ có đi lên, trừ giá cả và sinh đẻ! Đấy, các đ/c thấy đấy. Đáng lẽ như mọi lần trước chỉ cần phải thấm nhuần không thôi thì tôi chỉ phổ biến qua qua một lượt là nghỉ. Song lần này, lãnh đạo muốn có ngay các biện pháp và kết quả hành động sau một tháng kể từ khi xuống thăm Phòng ta. Hôm nay chỉ còn có 5 ngày nữa là chúng ta phải nộp sản phẩm rồi các đ/c ạ. Tôi kêu gọi các đ/c suy nghĩ, đ/c nào từ trước đến nay chưa quen tư duy thì hãy thử bắt đầu tư duy càng đỡ phải đổi mới. Ai có sáng kiến gì hãy đến thẳng lãnh đạo phòng trình bày.

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Mời Tham Dự Buổi Du Xuân Giáp Ngọ 2014

Tiếp tục chương trình của năm kỷ niệm 40 năm thành lập Ban điều khiển học, xin trân trọng Mời tất cả các anh, chị, em Ban điều khiển học (cũ) tham gia buổi du xuân Giáp Ngọ 2014 vào ngày 23/02/2014
Thời gian xuất phát và xe sẽ đón như sau
7h00 (sáng) : Tại số 1 Nguyễn Đình Chiểu - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội (gần công viên thống nhất và Viện Mắt TW)
7h30: Tại cổng phụ Viện Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam (số 18 Hoàng Quốc Việt - Trước mặt Viện Công Nghệ Thông Tin)
Thời gian hoạt động: 1 ngày tại Trang trại đồng quê ba vì (gần cổng Vườn quốc gia Ba vì)
Nội dung hoạt động:  Họp mặt hàn huyên vui vẻ

                                                                                            Thay mặt nhóm liên lạc
                                                                                                Ngô Kiều Oanh


Hài Và Tạp Văn (Tiếp)

TIN HOẠT ĐỘNG CỦA CHI ĐOÀN ĐKH 
CHỐNG NẠN NÓI TỤC

            Đứng trước nguy cơ bành trướng khuynh hướng nói năng nặng lời, thậm chí nói tục trong giới trí thức gây ảnh hưởng xấu đến thiếu nhi và phái đẹp, Tiểu ban Văn hóa Chống nói tục của Chi đoàn đã họp khẩn cấp để tìm biện pháp khắc phục, xóa bỏ cao trào này.
      Một ủy viên có nhiều kinh nghiệm nói tục đã đề nghị thay tất cả những lời tục tĩu bằng tên các danh lam thắng cảnh, ví dụ: cút đi thành Chùa Hương, đồ mất dạy thành Vịnh Hạ Long, quỷ sứ thành Cúc Phương…Nhưng xem ra phương pháp này không ổn vì số danh lam thì ít mà số lời tục thì nhiều. Cuối cùng, hội nghị quyết định thay những lời tục tĩu bằng các danh từ toán học. Ví dụ: ánh xạ, toán tử, cực trị…Như thế, một cuộc cãi lộn sẽ đại loại xảy ra như thế này:
-         Này, anh kia, giới nội cái hàm giả lồi lại, đừng có ồn trắng!
-         Cái gì, còn anh đóng cái đa tạp kì dị đi thì có, đừng nhiễu cộng tính, ông cho một tôpô mạnh bây giờ!
-         Đồ dưới vi phân đi mà ăn tích phân của tao!

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Chuyện vui đầu xuân Giáp Ngọ


  1. Đầu xuân Giáp Ngọ, OUTPUT vừa nhìn thấy INPUT đã chạy lại vồn vã:
-          Năm mới chúc anh INPUT vạn sự như ý. Cám ơn anh khoản lì xì 1 triệu anh gửi qua BLACKBOX mừng tuổi em đêm giao thừa.
INPUT tỏ vẻ ngạc nhiên:
-          Ủa, sao chỉ có 1 triệu? Anh gửi qua BLACKBOX mừng tuổi em 5 triệu kia mà?
OUTPUT hơi xịu mặt:
-          Thì anh còn lạ gì BLACKBOX .

  1. ROBUST hỏi ADAPTIVE :
-          Cậu có thể bật mí với tớ vì sao đề tài nghiên cứu về Điều khiển học của cậu được duyệt và cấp kinh phí còn đề tài của tớ thì không?
ADAPTIVE cười hóm hỉnh:
-          Vì trong đề cương cậu không trình bày nguyên lý feedback.

  1. Giáp và Ngọ là hai sinh viên ngành Điều khiển tự động chuẩn bị thi học kỳ.  Giáp hỏi Ngọ:
-          Theo cậu Nyquist và Lyapunov khác nhau thế nào?
Ngọ suy nghĩ một lát rồi đáp:
-          Nyquist ổn định theo kiểu Mỹ còn Lyapunov ổn định theo kiểu Nga.



Vũ Ngọc Phàn, Xuân Giáp Ngọ 2014.

TÌM VỀ DĨ VÃNG (Chuyện hài viễn tưởng)

TÌM VỀ DĨ VÃNG
         (Chuyện hài viễn tưởng)

- Kính thưa các viện sĩ,- Viện sĩ Chủ tịch Rêvơ đứng dậy nói, - vừa rồi ngài Phăngtazi đã trình bày xong Luận án về nguồn gốc phát sinh Xi-bec-ne-tic ở vùng đất Việt Nam cổ, bảo vệ danh hiệu “Viện sĩ Viện hàn lâm hành tinh Đại Đồng”. Đây  là một công trình hết sức quan trọng và công phu. Nó soi sáng được nhiều vấn đề về phương pháp luận.
- Tôi xin hỏi.
          - Vâng, mời Viện sĩ Kexchông.
          - Dựa vào căn cứ nào mà ngài Phăngtazi lại cho rằng ngày sinh Xi-bec-ne-tic ở vùng đất Việt cổ là 16 tháng 1 năm 1974?
          - Vâng, tôi xin trả lời.- Trên màn hình lớn hiện lên khuôn mặt căng thẳng của Phăngtazi, viện sĩ sinh khóa 40 của Sao Hỏa xin bảo vệ từ xa. –Lúc đầu chúng tôi đã tưởng rằng ngày sinh của nó đâu khoảng tháng 4  năm 1977 tại đất Ngọc Hà, vì chúng tôi khai quật được ở vùng này một cái máy rất lạ. Kích thước của máy bằng hộp phấn, sáu mặt là các tấm lưới thép mắt cáo, có một lò xo nhỏ nhạy bên trong. Đây là một thiết bị tự động thô sơ. Lúc đầu, chúng tôi không rõ máy này dùng để làm gì. May sao, bên trong ruột máy chúng tôi tìm thấy một bộ xương của một động vật có vú nhỏ. Qua khảo cổ công phu, chúng tôi đi đến khẳng định: đây là một động vật cổ xưa, ngày nay không tồn tại, nhưng mấy nghìn năm trước rất thịnh hành. Động vật này có tên là “Chuột”. Có lẽ, ngày xưa, các nhà Xi-bec-ne-tic đã biết dùng máy này săn loài động vật này để ăn, vì nghe nói thời đó thực phẩm vô cùng khan hiếm. Nhưng sau đó, chúng tôi khai quật được một cái bàn đá ở trung tâm thành Hà Nội cổ. May mắn làm sao, trên mặt bàn có khắc nguyệch ngoạc dòng chữ “16/1/1974 – ĐKH”.

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Lời cám ơn tại thời khắc chuyển giao năm cũ Quý Tỵ sang năm mới Giáp Ngọ 2014

Blog Ban điều khiển học (BĐKH) tuy mới chỉ ra mắt được hai tuần nhưng đã nhận được sự đóng góp nhiệt tình của một số các anh chị Cựu thành viên của Ban. Các chuyên đề đã manh nha thành hình như dòng thơ lãng mạn triết lý ĐKH, hài và văn biếm họa chân dung ĐKH, ghi chép và nghiên cứu lịch sử BĐKH, nghiên cứu lý thuyết ĐKH và ứng dụng viết theo văn nôm dễ hiểu để truyền đạt tinh thần và lòng yêu mến ĐKH cho các đời sau.

Vì vậy nhóm liên lạc kiêm biên tập (trong mùa xuân năm Giáp ngọ 2014 nhất định phải bổ sung thêm các chuyên gia gạo cội để có được Ban biên tập Blog chính thức) rất phấn khởi được ghi nhận thành tích đầy hứa hẹn này và xin chân thành nhiệt liệt cảm ơn các bạn kể cả người viết lẫn người đọc Blog BĐKH. Chúng ta đã được củng cố niềm tin vào việc Blog BĐKH ngày sẽ được nhận thêm nhiều các bài viết, các bình luận từ tất cả các cá nhân có lòng yêu mến ĐKH, không kể là các cựu thành viên hay bên ngoài của ban, không kể sống trong hay ngoài nước. 

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

BIẾM HỌA CHÂN DUNG CÁC THÀNH VIÊN BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC


1. GS.TS. NGUYỄN THÚC LOAN, ông tổ của thuật toán tự thích nghi VN, vị thủ trưởng đầu tiên và cũng là cuối cùng của Ban ĐKH, người anh cả, thủ lĩnh đã dẫn dắt 84 chiến sĩ “lương hơi bạc” đi suốt những chặng đường đất dài ở Hà Sơn Bình không biết mỏi. GS đã ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng ý niệm, ý tưởng và ý đồ ứng dụng khoa học điều khiển học của người ở lại với chúng ta vĩnh viễn.

2. GS.TS. ĐẶNG QUANG Á, sinh ra vào một đêm đen, nhá nhem không đèn đuốc, để rồi trở thành một ngôi sao khoa học tỏa sang cháy sém cả vùng trời Á đông.

3. NGUYỄN THỊ KIM ANH, thanh cao, nồng nàn, người đã làm cho nhiều trái tim co giật. Giờ đây đã hạ cánh an toàn, nhưng lại đề nghị “Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đưa ngành ĐKH vào chương trình trọng điểm QG (qui dê)”.

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO NGÀNH ĐIỀU KHIỂN HỌC

Tiến sỹ khoa học Nguyễn Thúc Loan
NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO NGÀNH ĐIỀU KHIỂN HỌC


Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Thúc Loan sinh ngày 3/10/1940 tại thôn Phước Bình, xã Hòa Thành, huyện Tuy Hòa, tỉnh PHú Yên trong một gia đình công nhân.

Năm 1954 tập kết ra Bắc, Anh được tập huấn tại Đông Dương học xá (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội)

Năm 1956 Anh được cử đi học đại học  tại trường Năng lượng Moskva (Liên Xô). Tài năng nghiên cứu khoa học của Anh đã sớm  nở rộ và được thể hiện ngay  từ những năm cuối của bậc đại học. Nhiều công trình  nghiên cứu của Anh đã được đăng ở các tạp chí chuyên ngành  nổi tiếng của Liên Xô trước đây.

Năm 1963 Anh tốt nghiệp đại học  với kết quả xuất sắc. Hội đồng chấm luận án đã đề nghị cho kỹ sư Nguyễn Thúc Loan được chuyển tiếp sinh, tiếp tục hoàn thiện  và nâng cao đề tài kỹ sư để bảo vệ học vị Phó Tiến sỹ Khoa học Kỹ thuật.

MỘT SỐ KỶ NIỆM VỀ BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC

MỘT SỐ KỶ NIỆM VỀ  BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC
Nhớ lại ngày thành lập Ban:
Ngày 16/1/1974, tức ngày 24 (Đinh Tỵ) tháng 12 (Ất Sửu) năm 1973 (Quý Sửu), một sáng đẹp trời cuối đông trên tầng 2 ngôi nhà Pháp cổ ven Hồ Tây tại số 2 Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội, nhìn ra mặt Hồ sương sớm vẫn còn giăng một lớp mờ ảo. Tiết trời lạnh ngọt, nhưng có 7 trái tim[1] rất nóng của những kỹ sư, cử nhân tuổi ngoài đôi mươi vừa tốt nghiệp từ Liên Xô về đang quây quần bên người anh (cũng chỉ mới 33 tuổi thôi) Tiến sĩ KHKT Nguyễn Thúc Loan. Mấy anh em vừa uống chén trà hương Ba Đình vừa nhâm nhi mấy viên kẹo lạc để nghe anh Loan thông báo sự kiện thành lập Bộ phận Điều khiển học (ĐKH) thuộc Khối Khoa học Cơ bản của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (sau đó mới có quyết định là Ban Điều khiển học). Với tư cách Trưởng Bộ phận, anh Loan đã phổ biến lại tinh thần về buổi gặp gỡ của anh với các Bác lãnh đạo Chính phủ để trình bày đề cương tổ chức hoạt động của ĐKH Việt Nam. Anh Loan đã phác họa viễn cảnh hoành tráng của ngành ĐKH, một ngành khoa học tổng hợp có liên quan với tất cả các bộ môn khoa học khác nhau, cả lĩnh vực tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ và cả lĩnh vực xã hội. Vì vậy ĐKH được tập hợp tất cả những người xuất săc từ các chuyên ngành khác nhau về. để cùng thực những nhiệm vụ nghiên cứu thật nặng nề nhưng vinh quang của Ban. Cả nhóm đã sôi nổi luận bàn, mơ mộng về tương lai ĐKH của Việt Nam và cũng không khỏi băn khoăn lo lắng về những gì cần phải làm…

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

THƠ ĐIỀU KHIỂN HỌC


Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC và tưởng nhớ cố GS TSKH Nguyễn Thúc Loan, xin thân gửi các đồng nghiệp mấy bài thơ của tôi trích từ tập TIẾNG THỜI GIAN (NXB Văn học 2013).

Vũ Ngọc Phàn
LỬA

Lửa mặt trời thắp sáng mặt trăng
Lửa con tim thắp sáng cuộc đời

Những bàn tay gân guốc
Gom cỏ khô tháng ngày
Đốt lửa dưới chân

Những con thiêu thân
Lao mình vào lửa
Đêm hoang dã ước mơ

Lửa chụm dưới nồi

LỜI CHÚC MỪNG VÀ THÔNG BÁO

LỜI CHÚC MỪNG VÀ THÔNG BÁO
          Kính gửi các Anh, Chị cán bộ cũ của Ban Điều Khiển học,
          Ngày mai 16.01.2014, chúng ta những cựu thành viên của Ban Điều Khiển học sẽ chúc mừng sinh nhật lần thứ 40 ngày thành lập Ban Điều Khiển học(16.01.1974). Để ghi lại dấu ấn quan trọng này, nhóm liên lạc của Ban xin trân trọng ra mắt trang thông tin điện tử dưới dạng blog, địa chỉ là bandieukhienhoc.blogspot.com với mục đích trao đổi những tâm tư, kết nối tuổi già ấm cúng để nhớ lại muôn vàn kỉ niệm xưa thời trai trẻ và điều quan trọng nhất là để giữ lửa tinh thần Điều Khiển học luôn bừng cháy trong trái tim chúng ta và lan truyền được cho con cháu chúng ta và trong cộng đồng xã hội. Chúng ta có niềm tự hào chính đáng là Ban Điều Khiển học thân yêu dù chỉ tồn tại như ánh sao băng nhưng đã kịp thời là tiền thân, là cội rễ cho việc đặt nền móng phát triển các ứng dụng vô cùng quan trọng tại Việt Nam, đặc biệt trong việc kích thích phát triển ngành công nghệ thông tin và khoa học quản lý các hệ thống khác nhau của môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội…
          Nhân ngày sinh nhật lần thứ 40 BĐKH và cũng là sắp Xuân Giáp Ngọ 2014, xin chúc tất cả các anh chị sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc, bình an và nhất là Tâm luôn tươi trẻ, nhiệt tình với cuộc sống như những năm xưa. Vì Điều Khiển học Hệ thống chính là cuôc sống tươi đẹp thú vị và luôn vô cùng hấp dẫn xung quanh ta. Rất mong nhận được sự đóng góp về mặt thông tin, hình ảnh ngày càng nhiều từ các anh, chị cho blog Ban Điều Khiển học.
                                                                                         Thay mặt nhóm liên lạc

                                                                                    Trân trọng  Ngô Kiều Oanh

40 NĂM BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC

40 NĂM BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC
Các anh chị thành viên Ban Điều khiển học thân mến!
Lại 10 năm nữa trôi qua kể từ ngày chúng ta tụ tập quanh người anh cả của Ban Điều khiển học, GS. TS KH Nguyễn Thúc Loan để kỷ niệm 30 năm ngày ra đời của Ban! Và giờ đây ta chuẩn bị tề tựu với nhau để kỷ niêm ngày sinh 40 của Ban mình, nhưng thật đau buồn vì Anh đã ra đi về cõi vĩnh hằng được 7 năm nay rồi! Chúng ta hãy dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến Anh, người sáng lập Ban Điều khiển học đầu tiên của nước Việt Nam!
Vâng! đã 40 năm ! chúng ta cũng vô cùng thương tiếc tưởng nhớ đến những thành viên Ban Điều khiển học xưa - những người anh, người bạn thân thiết của một thời tuổi trẻ mà nay đã ra đi mãi mãi: Các anh Nguyễn Tùng Sương, Nguyễn Văn Quỳ, Nguyễn Thượng Uyển và Vũ Văn Phúc. Xin mọi người hãy thắp một nén nhang để gửi theo khói hương những lời chân thành thương nhớ cùng với lời chúc an giấc ngàn thu đến với hương hồn của các anh!

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

BÀI PHÁT BIỂU CỦA CỐ GS.TSKH NGUYỄN THÚC LOAN NGUYÊN TRƯỞNG BAN ĐIỀU KHIỂN HỌC TRONG BUỔI HỌP MẶT KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP (16/01/2004)

Kính thưa các anh, các chị và toàn thể các bạn!
        Xin nhiệt liệt chào mừng các anh, chị đã từng quan tâm, quý mến ngành Điều khiển học, xin nhiệt liệt chào mừng tất cả chúng ta, những thành viên của đại gia đình Ban Điều khiển học, có mặt trong buổi hội tụ hôm nay để kỷ niệm thành lập Ban!
   Thưa các anh, các chị và các bạn!
       Vậy mà thấm thoát đã trôi qua 30 năm, kể từ ngày 16 tháng 01 năm 1974- ngày Ban ĐKH ra đời! 30 năm đúng bằng nửa đời người theo tử vi đầu số( một Hội = 60 năm). 30 năm qua có biết bao biến động bể dâu đã tràn qua trái đất này. Loài người đã bước từ Thế kỷ 20 sang những năm đầu của Thế kỷ 21. Thế giới đã từ 2 cực trở thành đơn cực; đất nước Việt Nam từ 2 miền bị chia cắt đã trở thành một quốc gia thống nhất và đã vượt qua ngưỡng của các nước nghèo. Khoa học Điều khiển đã hội tụ các ngành công nghệ mũi nhọn vào một không gian- không gian điều khiển- Cyber Space…

ĐIỀU KHIỂN HỌC TRONG CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA

ĐIỀU KHIỂN HỌC TRONG CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA
Có lẽ tất cả chúng ta đều rất tự hào là những người đã được tiếp cận với điều khiển học như là một ngành khoa học, như là triết lý của cuộc sống và dành trọn đời cho tư duy, thiết kế và hành động theo tiếp cận hệ thống. Điều khiển học được du nhập vào Việt Nam thông qua các nhà khoa học, các kỹ sư và các cử nhân trong vòng hơn 40 năm qua. Xã hội Việt Nam tiếp nhận điều khiển học một cách dè dặt với những niềm hy vọng có đột phá trong tư duy và hành động.
Tuy nhiên, việc mang lại những đột phá từ tư duy của điều khiển học đã không xảy ra như mong đợi. Điều đó không có lỗi của các nhà điều khiển học. Điều cần nói ở đây là tư duy mới và hệ thống chưa được môi trường xã hội tiếp nhận một cách tích cực. Trong 40 năm qua, tư duy của xã hội Việt Nam đã ngày càng thay đổi: Xuất phát điểm từ việc mở rộng quan hệ quốc tế, tiến tới hợp tác quốc tế và hiện nay đang là xu thế hội nhập quốc tế trong mọi lĩnh vực đã mang đến cho xã hội Việt Nam tính cởi mở hơn, năng động hơn và tích cực hơn. Cởi mở hơn được hiểu theo nghĩa là chấp nhận nhiều ý kiến khác nhau. Năng động hơn có nghĩa là thích nghi với những thay đổi. Tích cực hơn có nghĩa là biết lựa chọn cái đúng, cái tiến bộ, cái bền vững để hành động. Điều đó có được là do có sự đóng góp to lớn của những nguyên lý điều khiển học.

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

CUỘC CHẠY ĐUA TIẾP SỨC BỀN BỈ SUỐT HƠN 30 NĂM

CUỘC CHẠY ĐUA TIẾP SỨC BỀN BỈ SUỐT HƠN 30 NĂM
                                                Kính tặng các anh chị Ban Điều Khiển học
                                                                                                         Nguyễn Tuấn Hoa
       Ý tường nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào quản lý ở nước ta đã có từ trên 30 năm trước. Và cũng từ đó, cuộc tìm kiếm lời giải đúng cho mục tiêu hiện đại hóa của nước ta bắt đầu.

      Cuộc ra quân bề thế đầu tiên xuất hiện vào khoảng giữa thập niên 60 với hai hướng chính là nghiên cứu ứng dụng vận trù học và khai thác máy tính lớn phục vụ điều hành sản xuất, kinh doanh. Những tên tuổi như Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, Phạm Hữu Sách, Hồ Thuần, Nguyễn Quang Thái, Nguyễn Bình Thành, Nguyễn Bá Hào, Dương Quang Thiện, Nguyễn Đình Ngọc, Trần Thành Trai và nhiều người khác đã để lại những dấu ấn như những người khai phá. Kết quả nghiên cứu mang tính chất toán học đẹp đẽ nhưng không tìm được chỗ đứng trong cơ chế quản lý bao cấp thời bấy giờ. Ứng dụng máy tính lớn vào quản lý sản xuất kinh doanh chỉ tồn tại tại một vài đơn vị kinh tế có quy mô lớn ở phía Nam do có điều kiện thực hiện.