TÌM VỀ DĨ
VÃNG
(Chuyện hài viễn tưởng)
- Kính thưa
các viện sĩ,- Viện sĩ Chủ tịch Rêvơ đứng dậy nói, - vừa rồi ngài Phăngtazi đã
trình bày xong Luận án về nguồn gốc phát sinh Xi-bec-ne-tic ở vùng đất Việt Nam
cổ, bảo vệ danh hiệu “Viện sĩ Viện hàn lâm hành tinh Đại Đồng”. Đây là một công trình hết sức quan trọng và công
phu. Nó soi sáng được nhiều vấn đề về phương pháp luận.
- Tôi xin
hỏi.
-
Vâng, mời Viện sĩ Kexchông.
-
Dựa vào căn cứ nào mà ngài Phăngtazi lại cho rằng ngày sinh Xi-bec-ne-tic ở
vùng đất Việt cổ là 16 tháng 1 năm 1974?
-
Vâng, tôi xin trả lời.- Trên màn hình lớn hiện lên khuôn mặt căng thẳng của
Phăngtazi, viện sĩ sinh khóa 40 của Sao Hỏa xin bảo vệ từ xa. –Lúc đầu chúng
tôi đã tưởng rằng ngày sinh của nó đâu khoảng tháng 4 năm 1977 tại đất Ngọc Hà, vì chúng tôi khai
quật được ở vùng này một cái máy rất lạ. Kích thước của máy bằng hộp phấn, sáu
mặt là các tấm lưới thép mắt cáo, có một lò xo nhỏ nhạy bên trong. Đây là một
thiết bị tự động thô sơ. Lúc đầu, chúng tôi không rõ máy này dùng để làm gì.
May sao, bên trong ruột máy chúng tôi tìm thấy một bộ xương của một động vật có
vú nhỏ. Qua khảo cổ công phu, chúng tôi đi đến khẳng định: đây là một động vật
cổ xưa, ngày nay không tồn tại, nhưng mấy nghìn năm trước rất thịnh hành. Động
vật này có tên là “Chuột”. Có lẽ, ngày xưa, các nhà Xi-bec-ne-tic đã biết dùng
máy này săn loài động vật này để ăn, vì nghe nói thời đó thực phẩm vô cùng khan
hiếm. Nhưng sau đó, chúng tôi khai quật được một cái bàn đá ở trung tâm thành
Hà Nội cổ. May mắn làm sao, trên mặt bàn có khắc nguyệch ngoạc dòng chữ
“16/1/1974 – ĐKH”.
-
ĐKH là gì? – Viện sĩ Keschông hỏi.
-
ĐKH, có người cho rằng theo tiếng Việt cổ là ba chữ “Điện khí hóa”. Nhưng Việc
sĩ Rơpôngxơ, chuyên gia lĩnh vực điện cho biết những năm 1970-1980 ở vùng đất
Việt cổ chưa hoàn thành công cuộc điện khí hóa. Do đó, tôi khẳng định ba chữ đó
là “Điều khiển học”.
- Nhưng nhỡ may đấy là những nhóm từ
khác thì sao? Ví dụ như “Đời không hay”, “Đừng khôi hài” hay “Đồ khỉ ho”?
-
Ai vừa hỏi cho biết quý danh?
-
Tôi, - Rôbốt người máy, thư ký riêng của Viện sĩ Bibom. Viện sĩ hôm nay ốm, tôi
đi họp thay.
-
Thưa ngài Rôbốt, - Phăngtazi trả lời, - Đúng là có thể như thế. Song, may mắn
cho chúng tôi, Viện sĩ ngôn ngữ cổ Classic có cho biết thời đó khí thế cách
mạng cao, nên không thể có nhóm từ “Đời không hay” hay các loại từ nhảm nhí
khác. Mặt khác, chúng tôi phát hiện thấy trên bàn đá còn có chữ “Gluscôp”. Rõ ràng,
đây là họ của một người Nga cổ nằm ở phía Đông quốc gia Đại đồng của chúng ta.
Ông Gluscôp là một chuyên gia điều khiển học hàng đầu. Điều này chứng tỏ các
chuyên gia Xi-bec-ne-tic đã bắt đầu sự nghiệp của mình bằng những mô hình macrô
trong quản lý.
-
Tôi xin hỏi.
-
Vâng, xin mời Viện sĩ Tupôi.
-
Trong số máy móc mà ngài Phăngtazi khai
quật được, có hai chiếc mà ngài gọi là PERT và máy tính số thì tôi tạm thông,
nhưng còn cái hộp nho nhỏ kia là máy gì? Hay cũng là bẫy chuột?
-
Vâng, ý kiến của Viện sĩ Tupôi rất xác đáng. Chiếc máy thứ ba này lúc đầu chúng
tôi không tài nào đoán nổi là máy gì. Tôi tưởng là một hộp sắt vớ vẩn, bèn
quẳng ra sân. Bỗng tôi giật mình, nhận thấy một hiện tượng kỳ lạ: đám gà trống
bỏ chạy toán loạn, còn đám gà mái thì đủng đỉnh, tỏ vẻ khoái chí. Tôi liền lặp
lại thí nghiệm đó nhiều lần và sung sướng rút ra kết luận: Đây là máy lấy tinh
gia cầm.
-
Đây quả thật là một khám phá kỳ diệu, - Chủ tịch Rêvơ tiếp lời, - theo thuyết
di truyền về tính khiếp sợ, thì kết luận trên hợp logic. Thật là kiệt xuất!
Kiệt xuất!
-
Thế hồi đó đã có máy tính điện tử chưa hả?
-
Ngài Rôbốt, hôm nay ngài làm sao mà bực bội, khó chịu thế? – Chủ tịch Rêvơ bất
bình.
-
À, xin lỗi các vị, hôm nay một mạch vi điện tử ở lưng tôi bị hỏng, tôi thấy
choáng váng cả mấy cái chip trên đầu. - Rôbốt thanh minh.
Chủ
tịch Rêvơ ấn nút, một tiểu thư người máy bưng ra một cái khay trên có một cốc
phalê.
-
Nhờ tiểu thư châm cho ông Rôbốt đây 3 giọt luyn và điểm lại huyệt mã số X-30. Mời
ngài Rôbốt cứ tự nhiên. Còn bây giờ, xin mời ngài Phăngtazi trả lời câu hỏi.
-
Thưa các vị, máy tính điện tử những năm 70-80 của thế kỷ 20 ở đất Việt cổ chưa
có, lúc đó người ta mới đề cập đến phần mềm.
-
Thế còn bộ xương kia? Tại sao ông Phăngtazi lại cho đó là các bộ xương của các
chuyên gia điều khiển học?- Viện sĩ Xlepôi thắc mắc.
-
Vâng thưa ngài Xlepôi, - Phăngtazi rút mùi soa chấm mồ hôi trên trán, - việc
khai quật để tìm ra các bộ xương nhỏ nhắn này là một việc làm hết sức khó khăn
và công phu đối với nhóm nghiên cứu. Chúng tôi đã phải đào nát vùng đất Kim
Liên, Đồi Bò, Đồi Thông mà phía dưới toàn bùn ao với đỉa. Mới trông qua, thấy
các bộ xương này không khác các bộ xương người Việt cổ cho lắm: cũng mảnh mai,
xương sống cong cong do phải đạp xe đạp nhiều. Nhưng quan sát thật kỹ, ta thấy
ở các bộ xương này xương quai hàm phát triển quá mức bình thường.
-
Phát triển thì sao? – Viện sĩ Xlepôi sốt ruột.
-
Điều đó chứng tỏ thời đó họ phải truyền bá bằng miệng rất nhiều về những tư
tưởng và nguyên lý mới mẻ của Xi-bec-ne-tic. Đặc biệt bộ xương thứ 13 rất dài,
xương hàm lớn, răng to đùng, chứng tỏ vị này là một trong những người sáng lập.
-
Tại sao ở hầu hết các bộ xương, hầu như răng vị nào cũng đều xạm đen thế? –
Viện sĩ Tupôi nghi ngờ.
-
À, đấy là do ảnh hưởng của chất Nicôtin, chất kích thích thần kinh mà ba nghìn
năm trước rất thịnh hành ở đất Việt cổ, có tên là “thuốc lào”.
-
Thế nào? Các vị đã thỏa mãn với những câu trả lời của viện sĩ sinh Phăngtazi
chưa? – Chủ tịch Rêvơ đứng dậy nói. – Tôi nghĩ thế là được rồi đấy. Hội đồng
khoa học đánh giá rất cao công trình của ngài Phăngtazi. Trước khi bỏ phiếu,
xin mời các vị làm quen sâu hơn với các hiện vật trưng bày ở đây, nhất là xem
kỹ các bộ xương của các chuyên gia Xi-bec-ne-tic cổ xưa. Nhưng xin lưu ý, các
vị chớ sờ vào chúng nhé, vì các hàm răng kia khá lớn, răng lại sắc nhọn thế
kia, chưa biết chừng chúng còn hoạt động theo quán tính.
Đinh
Tai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét